Bắt đầu chiến dịch tiêm sởi - rubella lớn nhất từ trước tới nay

Thứ sáu - 19/09/2014 19:25
(Dân trí) - Chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất từ trước đến nay, tiêm vắc xin sởi - rubella cho 23 triệu trẻ em đang bắt đầu được triển khai. Hàng nghìn trẻ đã được tiêm vắc xin an toàn, chỉ ghi nhận một số ít phản ứng nhẹ sốt sau tiêm, không có phản ứng nặng.
 Bắt đầu chiến dịch tiêm sởi - rubella lớn nhất từ trước tới nay

Không ghi nhận phản ứng nặng

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, cho biết, sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Vụ dịch sởi diễn ra đầu năm 2014 đã xảy ra với tỉ lệ mắc rất cao. Còn với dịch rubella, vụ dịch năm 2005, 2011 đã khiến hàng ngàn phụ nữ mang thai mắc rubella phải phá thai, hàng trăm đến hàng ngàn trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh. Giám sát trọng điểm tại một số bệnh viện ở TP Hà Nội và TP HCM của vụ dịch 2010-2011 cho thấy hơn hơn 80% trẻ sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh bị đa dị tật.

Trên 140 nước trên thế giới đã đưa rubella vào tiêm chủng mở rộng; chỉ có 2 nước trong 37 nước khu vực tây thái bình dương chưa triển khai tiêm miễn phí vắc xin rubella. Vì thế, chiến dịch tiêm chủng này là một cơ hội để những trẻ dưới 14 tuổi chưa được tiêm chủng rubella được tiêm phòng miễn phí, đồng thời củng cố thêm miễn dịch của vắc xin sởi để phòng ngừa hai bệnh nguy hiểm này.

Ông Hiển cho biết thêm, vắc xin sử dụng trong đợt này là vắc-xin sống giảm độc lực, dạng đông khô. “Đã có hơn 600 triệu liều đã dùng tại 39 quốc gia và được báo cáo an toàn, chỉ ghi nhận những trường hợp phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm, phản ứng dị ứng quá mẫn với vắc-xin có tỉ lệ rất thấp (khoảng 1/triệu). Vì thế, vắc xin là an toàn”.

Tuy nhiên để giảm thiểu tối đa phản ứng sau tiêm thì ngành y tế đã tiến hành các biện pháp bài bản từ ban hành các quy trình tập huấn giám sát triển khai. Tập trung khám sàng lọc để loại trừ bệnh sẵn có của trẻ, bệnh tiến triển để làm giảm phản ứng sau tiêm xảy ra mà chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên. Tiền sử dị ứng của trẻ cũng được đặc biệt quan tâm. Với những trẻ dị ứng với thực phẩm, thuốc cũng cân nhắc rất kỹ trước khi chỉ định tiêm vắc xin tránh tình trạng sốc quá mẫn với thành phần vắc xin sau tiêm. Bên cạnh đó, tổ chức sẵn các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng phó với phản ứng sau tiêm xảy ra.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn chứng, trong 28 nghìn trẻ được tiêm chủng vắc xin sởi rubella tại hai tỉnh Đắc Lắc, Vũng Tàu vừa triển khai, chỉ có 9 ca phản ứng nhẹ sau tiêm chủng, không ghi nhận ca phản ứng nặng.

Theo ông Phu, đây là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay với 23 triệu trẻ trong độ tuổi 1-14 do đó công tác chuẩn bị được thực hiện rất kỹ càng. Chiến dịch sẽ không thực hiện đồng loạt vào một thời điểm mà triển khai thành 3 đợt: đợt 1 (từ 10 đến 30-10) tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi (trẻ sinh năm 2009 đến 31-8-2013, độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo); đợt 2 (từ 17-11 đến 4-12): trẻ từ 6-10 tuổi (trẻ sinh năm 2004-2008, học sinh tiểu học) và đợt 3 (từ 15-1 đến 4-2-2015): trẻ từ 10-14 tuổi (trẻ sinh năm 200-2003, học sinh THCS).

Để giảm tối đa đối tượng bị sót không tiêm chủng trong chiến dịch, cũng như tập trung các nguồn lực, chiến dịch tiêm sởi-rubella sẽ được triển khai theo phương thức “cuốn chiếu” từng đợt, theo địa bàn xã, phường, thị trấn và không lồng ghép với các hoạt động tiêm chủng khác.

Từ trái sang phải:

Từ trái sang phải: GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng; Ông Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ truyền thông thi đua khen thưởng tại buổi họp báo về chiến dịch

Mong người dân hợp tác đưa con đi tiêm chủng

Theo ông Hiển, để triển khai chiến dịch tiêm quy mô này, Bộ Y tế đã phải tổ chức, huy động cả hệ thống. Tuy nhiên sẽ có rất nhiều khó khăn không chỉ ở vùng sâu, vùng xa địa bàn đi lại khó khăn, mà ngay tại thành phố, việc rà soát, động viên các gia đình cho con đi tiêm cũng rất khó khăn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế Hà Nội, cho biết, tối qua, chính ông gặp chị cán bộ y tế phường Hàng Bột (Đống Đa, Hà Nội) 8h tối vẫn đến từng nhà vận động cho chiến dịch tiêm sởi - rubella sắp tới tại Hà Nội.Thế nhưng đi đến 10 nhà thì 3 nhà không hợp tác với lý do con đã tiêm đầy đủ, hoặc từ chối tiêm miễn phí mà muốn tự lo tiêm cho con.

Trong khi đó, một vấn đề lớn của Hà Nội là số trẻ nhiều, di động dân cư lớn, việc quản lý tốt đối tượng tiêm không phải là đơn giản. Mỗi năm, vào tháng 3, tháng 9 hàng năm Hà Nội đều phải rà soát từng hộ gia đình cập nhật thông tin về tiêm chủng. Trong dịch sởi vừa rồi, Hà Nội cũng phải chi hơn 3 tỷ đồng cho công tác điều tra, rà soát trẻ từ 1 – 10 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng, nay trong chiến dịch này lại phải làm lại do sự biến động cư dân rất lớn. Nếu không rà soát lại, sẽ có nhiều trẻ có nguy cơ bị bỏ sót tiêm.

“Bất kể trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, dù có hay không có hộ khẩu trên địa bàn khi đến trạm y tế phường tiêm đều phải được tiêm chủng miễn phí”, ông Cảm khẳng định.

“An toàn tiêm chủng luôn cần đặt lên hàng đầu. Vì thế, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng, từ lịch tiêm, điều kiện bảo quản vắc xin, tổ chức tập huấn tiêm chủng, tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại điểm tiêm chủng. Với những vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn, vùng thành thị dân số biến động thì công tác tiêm vét rất quan trọng để hạn chế thấp nhất đối tượng bỏ sót”, ông Phu cho biết.

Theo GS Hiển, để đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% như mục tiêu đặt ra, sự hợp tác chặt chẽ của người dân là rất quan trọng. Vì sau khi triển khai một số điểm thì nhiều bà mẹ mang con đến vẫn chưa hiểu gì cả, khi mà chúng tôi gửi thư mời đến các bậc phụ huynh để điền các tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng thì có bà mẹ không điền. Điều cơ bản tiếp theo thì rà soát đối tượng thì không được bỏ sót, đặc biệt những nơi di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hoãn tiêm vì lý do sức khỏe cũng ở mức khoảng 10%, vì thế cần phải tổ chức tiêm vét sao cho tốt.

Trước những lo ngại của phụ huynh về việc tiêm thừa vắc xin, GS Hiển khuyến cáo với những trẻ đã được tiêm sởi, rubella trước đây, việc tiêm chủng sởi - rubella này không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ, mà chỉ củng cố thêm miễn dịch cho trẻ. Chiến dịch đã triển khai thì không quan tâm đến tỷ lệ tiêm chủng của trẻ vì trẻ ở thời điểm đó mới được tiêm 1 mũi hay 2 vắc xin sởi. Về lý thuyết trẻ tiêm 1 mũi chưa được bảo vệ chắc chắn, nếu 2 mũi thì trẻ sẽ được bảo vệ nhưng không được bảo vệ bởi vắc xin rubella.

Nếu những trẻ đã chắc chắn được tiêm đầy đủ 2 mũi sởi – rubella thì không cần thiết phải tiêm lại và cha mẹ cần kiểm tra sổ tiêm chủng kỹ càng. Còn nếu không chắc chắn, không nhớ con được tiêm chủng hay chưa thì nên đưa trẻ đi tiêm, vì tiêm lại cũng không có vấn đề gì mà còn tạo cơ hội cho trẻ có miễn dịch tốt hơn.

Sau tiêm sởi – rubella, trong vòng 24 giờ sau tiêm, tại chỗ tiêm có thể sưng đau và dấu hiệu này sẽ tự mất trong vòng 2 - 3 ngày. 5 – 15% trẻ sau tiêm có thể sốt nhẹ. Có những trẻ xuất hiện ban sau 5 – 10 ngày tiêm và tự mất đi sau 1 – 2 ngày. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp như đau khớp và viêm khớp. Đây là những phản ứng nhẹ thông thường sau tiêm vắc xin.

Hồng Hải

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi