Chuột sa chĩnh gạo?

Chủ nhật - 15/06/2014 23:26
(Dân trí) - Thị nghiến răng kèn kẹt. Những tấm ảnh trong tay thị bị vò nát. Vậy là thị đã bị phản bội bởi chính người chồng “lù mịch” mà thị nghĩ có các vàng cũng không ma nào thèm ngó tới. Thị phóng xe vùn vụt về nhà, trong đầu tưởng tượng cảnh gã sẽ quỳ gối van xin thị tha thứ.
 Chuột sa chĩnh gạo?

Nhưng đời nào thị bỏ qua dễ dàng thế. Thị sẽ làm cho ra ngô ra khoai. Phải. Thị có quyền làm thế. Cái quyền rất chính đáng của một người vợ, mà theo thị tự nhận thấy là chẳng có gì để mà phải chê.

Hình minh họa: AP Images
Hình minh họa: AP Images


Gã lấy được thị, chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo. Cả cái phố huyện này, có ai lạ gì nhà thị. Thân sinh ra thị vốn quan chức về hưu, cũng có trong tay ít tài sản. Của hồi môn ngày thị đi lấy chồng là vài cây vàng cộng thêm lô đất giữa thị trấn. Vốn nhanh nhẹn tháo vát, thị vay thêm vốn, mở một cửa hàng vật liệu xây dựng. Buôn bán gặp thời, đường xá giao thông được quy hoạch lại, chẳng mấy chốc từ cái lô đất hoang ấy đã mọc lên ngôi nhà 3 tầng 2 mặt tiền chình ình giữa ngã tư thị trấn. Thị “ mát tay” buôn bán, cái miệng lại khéo nói nên kẻ ra người vào tấp nập. Người ta lấy vợ là vất vả lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Còn gã “được” thị lấy về, tài sản có sẵn, chẳng phải lo nghĩ gì. Thị yêu và chăm sóc gã, chẳng bao giờ để gã phải lo thiếu thốn. Cơm nước có người làm lo, thỉnh thoảng thị kiểm tra ví, bỏ vào đó vài trăm nghìn cho lão có đồng nước đồng thuốc với bạn bè. Có bao nhiêu người đàn ông thèm được như gã, vậy mà gã lại dám phản bội thị. Mà ngoại tình với cô nào trẻ đẹp thì thị còn dễ hiểu, đằng này lại với mụ bán trà đá đã góa chồng.

Thị bước vào nhà, ném xấp ảnh vào mặt gã. Rồi thị gào lên, nước mắt giàn giụa. Thị khóc, thị trách móc, thị tru tréo mặc bao ánh mắt hiếu kỳ của khách hàng đang đổ dồn về phía mình. Mặt gã chuyển màu từ tái xám, đến đỏ ửng, rồi trắng bệch. Gã nhặt những tấm ảnh, rồi khác hẳn với những gì thị tưởng tượng, gã bước về phía thị trả lời cho bao thắc mắc của thị bằng một câu mà khi nghe xong thị càng thêm bội phần khó hiểu: “Cô ấy chẳng có điểm gì hơn cô cả, nhưng cô ấy cho tôi cảm giác mình là một thằng đàn ông”.

Gã lầm lũi bước về phòng. Gã biết, thị sẽ chẳng bao giờ hiểu được lòng gã. Nếu mà nói là gã không yêu thị thì không đúng, phải yêu thì gã mới cưới. Nhưng tình yêu ấy đã lụi tàn dần sau vài năm kết hôn. Gã sống giản dị, hiền lành và đơn giản. Ông trời se duyên cho gã và thị như thể để cho cái tính cách tháo vát pha chút lọc lõi của thị bù đắp cho cái sự đơn giản có phần chậm chạp ở gã. Người ta bảo gã sướng. Vợ gã chỉ nhìn thấy những ánh mắt thèm muốn của người khác, còn gã nhìn thấy cả những cái nhếch mép giễu cợt của thiên hạ. Gã thấy mình chẳng khác nào một thằng con lớn trong nhà. Bởi gã có quyền gì đâu? Sáng gã dậy, cơm nước đã sẵn. Gã chỉ việc ăn rồi đi làm. Tiền lương của gã trả qua thẻ, mà thẻ thì thị cầm, bởi vì “cái loại công chức cả ngày đút chân gầm bàn như ông thì cần gì đến tiền mà giữ thẻ”. Mỗi ngày trước khi đi làm, thị bỏ vào ví gã ít tiền lẻ, đủ để uống vài cốc nước và mua thêm bao thuốc lá. Thế nên bao nhiêu năm đi làm, đến khi mẹ gã ở quê muốn lợp lái cái mái tôn cho khỏi dột gã cũng phải ngửa tay xin tiền vợ. Thị nhét vào ví gã dăm triệu kèm lời mát mẻ tự mãn “mẹ anh đúng là số quá sướng mới có người con dâu như tôi”. Gã chẳng giỏi làm ăn, đã thế lại hơi chậm. Sau vài lần bị khách kêu ca, thị quát gã: “Chậm chạp lù rù thế thì đuổi hết khách của tôi đi à?” rồi xua gã vào trong nhà. Từ bận đó, gã đi làm về là ngồi lỳ trên phòng, thi thoảng xuống bếp phụ bà giúp việc nhặt rau. Thằng con đang tuổi lớn được mẹ chiều sinh hư, gã thấy nó bỏ học đi chơi nhưng cũng chẳng nói được nó. Bởi trong nhà, nhất nhất mọi thứ đều do mẹ sắp đặt.

Dạo gần đây, gã hay đi tập thể dục, sau mỗi lần tập mấy ông bạn thường ngồi nghỉ ở quán nước. Cô bán nước vốn là bạn học cũ của gã, lấy chồng trên này nhưng chồng mất sớm. Gã thấy thoải mái mỗi khi ngồi nói chuyện với cô ấy. Giọng nói nhẹ nhàng, am hiểu cuộc sống chứ chẳng như vợ gã. Thỉnh thoảng gã sang giúp cô ấy lắp đặt cái ống nước, sửa ổ điện dù cô ấy chẳng một lần nhờ vả. Sau mỗi lần như thế, cô ấy không ngớt lời cảm ơn lẫn trong đó ánh mắt cảm phục. Gã thấy người lâng lâng.

Gã từ từ đặt lên bàn tờ giấy, viết lên đó những dòng chữ mà thâm tâm gã chẳng hề mong muốn. Nhưng gã không muốn sống trong cái chĩnh gạo to tướng ấy nữa. Gã muốn thoát ra và sống cuộc sống của mình.

Linh Nhi

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi