Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts và nhiều tổ chức khác cho thấy, sau khi đội bóng của một quốc gia bị loại khỏi giải, vào ngày giao dịch sáng hôm sau chỉ số chứng khoán của quốc gia đó sẽ giảm.
Và những thống kê thú vị khác nữa: các ca đau tim nhập viện trong tăng 25% tại nước Anh trong 3 ngày sau khi đội Anh thua Argentina trong World Cup 1998; cổ phiếu các câu lạc bộ bóng đá châu Âu thường tăng lên khi các đội bóng nước họ thắng và giảm xuống khi thua - bất chấp doanh thu và lợi nhuận thế nào.
Ở tầm thế giới, người ta thậm chí còn tìm thấy những sự trùng hợp “kinh dị” hơn: cuộc đổ vỡ của thị trường cổ phiếu 1986, suy thoái kinh tế Mỹ 1990, đợt lao dốc thị trường trái phiếu năm 1994, cuộc đổ vỡ của Asia/LTCM năm 1998, bong bóng dotcom năm 2002, đổ vỡ thị trường nhà Mỹ 2006, khủng hoảng khu vực châu Âu bắt đầu năm 2010 - mặc dù thực tế những thống kê này cũng không trùng khít hoàn toàn về mặt thời gian, vì những sự kiện này thường diễn ra từ vài tháng đến cả năm trước mùa World Cup.
World Cup vì sao lại có thể khiến chứng khoán giảm? Lý do trực tiếp có thể là người ta tập trung chú ý nhiều hơn đến bóng đá, đặc biệt là khi mà các trận đấu quan trọng lại thường diễn ra cùng thời điểm mở cửa sàn giao dịch Mỹ. Lý do gián tiếp có thể là tâm trạng bất ổn - vì chúng ta luôn có một mối liên hệ rõ ràng giữa tâm trạng và giá chứng khoán.
Tâm trạng bất ổn kéo theo tính nhạy cảm của thị trường tăng lên - có thể sự hưng phấn hay thất vọng của nhà đầu tư sau mỗi trận đấu sẽ khiến họ có những phản ứng thái quá hơn với các sự kiện của thị trường chứng khoán.
“Chúng ta thường nghĩ rằng, những nhà quản trị tiền lớn là những người không biết xúc động, nhưng ở đây chúng tôi chỉ ra rằng, ngay cả những người quan trọng cũng không phải là những cỗ máy”, một trong những người tham gia nghiên cứu của Viện Massachusetts nói.
Đó là thế giới, còn chứng khoán tại Việt Nam? Cả 3 mùa World Cup 2002, 2006, 2010 đều chứng kiến thị trường cổ phiếu giảm điểm cho đến cuối năm - dù thực tế là thị trường đã bắt đầu đảo chiều mạnh từ một hai tháng trước đó.
Và cả 3 mùa World Cup đều chứng kiến VN-Index đóng cửa tháng 7 thấp hơn đầu tháng 6: năm 2002 chỉ số giảm khoảng 8% trong 3 tuần đầu tiên và hồi phục lại đến tuần đầu tiên của tháng 7, nhưng đến cuối tháng 7 lại giảm liên tiếp và đóng cửa giảm khoảng 5% so với đầu tháng 6. Năm 2006, chỉ số tăng nhẹ trong 2 tuần đầu tháng 6, nhưng lại đột ngột giảm hơn 12% trong tuần thứ 3, rồi tiếp tục giảm và kết quả là đóng cửa tháng 7 giảm tận 21% so với đầu tháng 6.
Năm 2010, thị trường giảm nhẹ hơn 2% trong tuần đầu tiên của tháng 6, nhưng lại hồi phục trong tuần sau đó. Sang tháng 7, chỉ số dao động lên xuống nhẹ và đến cuối tháng giảm khoảng 3% so với đầu tháng 6. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, World Cup chẳng có lỗi gì cả. Vì vốn dĩ khoảng thời gian cuối tháng 6 là khoảng thời gian nhạy cảm khi các công ty đưa ra kết quả quý II và cũng là thời gian diễn ra nhiều phiên họp Chính phủ. Và thực tế tại cả Việt Nam lẫn thế giới, những mức giảm đều khá nhỏ.
“Dường như họ đang cố đổ lỗi cho những thứ nhỏ nhặt”, James Hughes, một chuyên viên phân tích cho hãng giao dịch CMC Markets tại London nói về luận điểm World Cup gắn liền với giảm điểm cổ phiếu.
Vậy còn World Cup đang diễn ra, diễn biến năm nay bước đầu đang giống năm 2006: VN-Index đã tăng nhẹ 3,2% trong 2 tuần đầu tiên của tháng 6. Nhưng chắc chẳng nhà đầu tư nào muốn có sự trùng lắp tiếp tục.
Nguồn tin: dantri.com.vn
website khách hàng chúng tôi hiện đang cung cấp dịch...Xem chi tiết...