Việt Nam xếp thứ 117 về tiêu chí bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2015) vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố sáng nay (29/10), Việt Nam đứng thứ 78 về xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 (năm 2014 – tính ngược lại theo phương pháp mới là 72).
Báo cáo “Doing Business” năm nay vẫn giữ nguyên số lượng 189 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Báo cáo đưa ra 10 tiêu chí để đánh giá về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, bao gồm thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, cấp điện, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng, và giải quyết doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Theo đánh giá của cơ quan xếp hạng, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia bằng cách thiết lập một cơ quan thông tin tín dụng mới. Đồng thời, Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong đợt đánh giá này, có một số tiêu chí, Việt Nam có thứ hạng khá cao. Chẳng hạn, tiêu chí xin cấp phép xây dựng được xếp hạng thứ 22. Tiêu chí đăng ký tài sản xếp loại 33, tiêu chí vay vốn xếp hạng 36, tiêu chí thực hiện hợp đồng xếp loại 47.
Tuy nhiên, rất nhiều tiêu chí Việt Nam lại có thứ hạng thấp. Tại tiêu chí khởi nghiệp, xếp hạng của Việt Nam là 125, tiêu chí kết nối điện xếp thứ 135, tiêu chí bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số xếp thứ 117, tiêu chí nộp thuế xếp thứ 173, tiêu chí giải quyết tình trạng phá sản xếp thứ 104 và tiêu chí thương mại xuyên biên giới cũng chỉ xếp ở thứ 75.
Theo World Bank, đây là năm đầu tiên báo cáo Môi trường kinh doanh thu thập dữ liệu cho thêm một thành phố tại những nền kinh tế có số dân trên 100 triệu người.
Tại Trung Quốc, báo cáo phân tích các quy định kinh doanh của Bắc Kinh và Thượng Hải, còn tại Indonesia là hai thành phố Surabaya và Yakarta. Theo phát hiện của báo cáo, thường có những khác biệt giữa hai thành phố về các chỉ số có liên quan đến các bước thực hiện, thời gian và chi phí để hoàn thành một giao dịch theo quy định khi chính quyền địa phương đóng một vai trò lớn hơn.
Báo cáo cho thấy, doanh nghiệp địa phương mới thành lập tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục nhận được cải thiện trong môi trường kinh doanh, khi các nền kinh tế trong khu vực thực thi 24 cải cách pháp lý chỉ trong một năm vừa qua.
Indonesia đã nâng cao triển vọng của các công ty nhỏ bằng cách triển khai 3 cải cách pháp lý vào năm 2013/2014 thuộc lĩnh vực được đo lường trong báo cáo này. Tại tất cả các thành phố, quy trình phê duyệt cho việc sát nhập kinh doanh đã được đơn giản hóa và thuế lao động giảm. Tại Yakarta, quy trình kết nối điện đã được đẩy nhanh nhờ việc xóa bỏ yêu cầu phải lấy nhiều giấy chứng nhận.
Trung Quốc tăng cường hệ thống lưu trữ và thanh toán điện tử quốc gia - đồng thời giúp cho việc sát nhập doanh nghiệp bớt tốn kém. Mông Cổ đã áp dụng một hệ thống thanh toán điện tử mới. Những cải cách như vậy đã tiết kiệm được thời gian quý báu của các doanh nghiệp. Ví dụ như tại Mông Cổ, các doanh nghiệp địa phương nhận thấy thời gian nộp thuế đã giảm từ 192 giờ vào năm 2013 xuống còn 148 giờ trong năm 2014 - còn thấp hơn ở Úc.
Báo cáo năm nay cũng mở rộng dữ liệu thu thập cho 3 trong số 10 tiêu chí được đề cập, và đang chuẩn bị thực hiện tương tự cho thêm 5 tiêu chí mới trong năm tới. Ngoài ra, xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh hiện dựa trên khoảng cách tới điểm cao nhất. Cách đo lường này chỉ ra khoảng cách giữa mỗi nền kinh tế tới các thông lệ tốt nhất trên thế giới về các quy định kinh doanh là bao nhiêu. Điểm số cao cho thấy một môi trường kinh doanh hiệu quả và những thể chế pháp lý mạnh mẽ hơn.
Bích Diệp