Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì buổi họp báo thông tin về vụ việc 49 học sinh Trường tiểu học xã Quang Sơn chưa đến trường sau 2 tuần khai giảng năm học mới. Tham dự buổi họp báo "nóng" này có hầu hết các báo Trung ương thường trú tại Nghệ An cùng các báo địa phương.
Tại buổi họp báo, báo cáo diễn biến vụ việc, UBND huyện Đô Lương và Sở GD-ĐT Nghệ An đều cho rằng, điểm trường lẻ làng Văn Hà là một ngôi nhà cấp 4 (chỉ có 4 phòng học gồm 3 phòng học và 1 phòng kho), được xây dựng từ năm 1981 hiện đã xuống cấp trầm trọng.
Điểm trường lẻ không có các phòng chức năng, không có công trình vệ sinh và hệ thống nước sạch, không đảm bảo đủ ánh sáng, không có bóng cây xanh... Khoảng cách từ điểm trường chính đến đầu làng Văn Hà là 1,8km, từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ là 2,3km.
Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp học trên địa bàn huyện Đô Lương, xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015, đầu năm học 2013-2014, UBND huyện Đô Lương đã tiến hành sáp nhập điểm trường lẻ làng Văn Hà lên điểm trường chính để các em được học trong môi trường đầy đủ hơn, tiện nghi hơn... Thế nhưng, khi sáp nhập đã gặp phải sự phản đối của đại đa số phụ huynh không đồng tình. Bởi họ cho rằng, đường đi lại khó khăn, xa xôi mất khá nhiều thời gian phải bỏ ra để hằng ngày đưa con em đến trường chính.
Như Dân trí phản ánh, ngày 5/9/2013, là ngày khai giảng năm học mới phụ huynh của 53 em học sinh Trường tiểu học làng Văn Hà không cho các em đến trường để dự khai giảng. Các phụ huynh đưa con đến điểm trường lẻ dự lễ khai giảng “trắng” giáo viên.
Trong năm học 2013-2014, UBND huyện Đô Lương, Sở GD-ĐT Nghệ An đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với phụ huynh để đưa học sinh đến trường nhưng chưa nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Phụ huynh học sinh của 3 khối lớp 1-3 tại điểm trường lẻ làng Văn Hà kiên quyết phản đối chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ lên điểm trường chính với các lý do như đường sá đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ; phụ huynh không có thời gian đưa đi đón về vì đường xa, bận mùa màng.
Ngày 5/9/2014, trong số 74 em học sinh làng Văn Hà (bao gồm 21 em từ lớp mầm non lên lớp 1) thì chỉ có 63 em đến khai giảng. Tính đến ngày 16/9/2014, qua nhiều cuộc vận động, tuyên truyền thì vẫn còn 49 em làng Văn Hà chưa đi học (trong đó lớp 1 là 27 em, lớp 2 có 16 em và lớp 3 còn 6 em).
Ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định theo quy hoạch mạng lưới trường lớp thì sẽ không tồn tại điểm trường lẻ ở làng Văn Hà. Điểm trường lẻ tại đây sẽ được xóa bỏ để xây dựng cụm trường mầm non.
“Chính quyền địa phương và nhà trường đã có kế hoạch phân công đứng lớp, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đi học trở lại. Ngoài biện pháp kiên trì thuyết phục, vận động phụ huynh chúng tôi đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật”, ông Thành nói.
Ông Trần Thế Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, mạng lưới trường tiểu học trên địa bàn tỉnh này đã giảm từ 701 trường năm 2003 đến năm 2014-2015 chỉ còn 562 trường; giảm từ 803 điểm trường lẻ xuống chỉ còn 495 điểm trường.
“Việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp trong những năm qua đã giúp cho hệ thống trường, điểm trường được quy hoạch hợp lý hơn, giảm đội ngũ cán bộ quản lý, hành chính, giảm tình trạng manh mún về hệ thống trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục. Điểm lẻ làng Văn Hà ở xã Quang Sơn được sáp nhập lên điểm trường chính nằm trong kế hoạch chung này”, ông Sơn nói.
Đại diện các cơ quan báo chí khẳng định việc phản ánh của 49 phụ huynh mỗi ngày bốn lần đưa đón con đi học trên quãng đường gần 2km rất khó khăn không phải nguyên nhân chính của việc không cho con đến trường. Chính quyền xã Quang Sơn và huyện Đô Lương cần xem lại quy trình xóa bỏ điểm trường lẻ này đã được phụ huynh chấp nhận hay chưa. Đồng thời kiến nghị những giải pháp để sớm đưa 49 em học sinh Trường tiểu học Quang Sơn đến trường.
Kết luận buổi họp báo, Giám đốc Sở GD-ĐT một lần nữa khẳng định, việc sáp nhập điểm trường lẻ về trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là hoàn toàn đúng với chủ trương bởi khoảng cách từ làng Văn Hà đến điểm trường chính ở trung tâm xã không quá xa và không quá khó khăn.
Về phía Sở GD-ĐT, để tạo điều kiện cho các em học sinh ở xa trường chính như học sinh làng Văn Hà, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với huyện Đô Lương và nhà trường có chính sách hỗ trợ tổ chức bếp ăn bán trú cho các em; Bố trí cán bộ quản lí, giáo viên có năng lực để tham gia giảng dạy và phụ đạo cho các em khi các em đi học trở lại. Sở sẽ phối hợp tiếp tục duy trì vận động và tuyên truyền để bà con, phụ huynh hiểu rõ chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Đồng thời vẫn tiếp tục kiên trì vận động, tăng cường đối thoại để chính quyền, ngành và người dân tìm được tiếng nói chung để các em sớm được tới trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng, việc sáp nhập điểm lẻ làng Văn Hà lên điểm trường chính là thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp theo nghị quyết 272, tháng 12/2009 của UBND tỉnh Nghệ An để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc sáp nhập tại địa phương này đang vấp phải sự phản ứng của người dân và phụ huynh.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phân công giáo viên dạy phụ đạo thêm cho học sinh nghỉ học năm học trước khi các em đến trường để các em theo kịp chương trình. Hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến đường từ làng Văn Hà đến trung tâm xã Quang Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và học sinh”, bà Chi nói.
Đến 17h chiều 19/9, kết thúc buổi họp báo, hàng chục phụ huynh và học sinh làng Văn Hà vẫn đứng trước cổng trụ sở Sở GD-ĐT Nghệ An phản đối chủ trương sáp nhập trường.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Nguyễn Duy - Lương Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
THÔNG TIN LIÊN HỆ THANG TOÁN PHÁT TRIỂN Mọi thông tin cần biết quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ dước đây để được giải đáp những thắc mắt và các yêu cầu của Quý khách. TẠI TP. HỒ CHÍ MINH Địa Chỉ:...Xem chi tiết...