Lo ngại về trình độ Tú tài hiện nay!
Đâu là những bất cập chính trong nền giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay? Phân tích về bất cập trên, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chất lượng giáo dục phổ thông chưa cao (mặc dầu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là rất cao) nên đầu vào của các trường ĐH, CĐ chưa tương xứng với yêu cầu. Trong khi các ngành Khoa học cơ bản là xương sống của nền khoa học nước nhà thì số thí sinh vào các ngành Khoa học cơ bản ngày càng ít, với chất lượng ngày càng thấp.
Đặc biệt, với ngành Khoa học xã hội với kết quả hàng ngàn bài thi môn Lịch sử bị điểm 0 cho thấy một thực trạng hết sức đáng lo ngại về trình độ của Tú tài hiện nay. Chưa nói đến những yêu cầu cao siêu, chỉ xem một bức thư xin nghỉ học của một học sinh lớp 10, tuy chỉ có mươi dòng nhưng ngoài việc chữ rất xấu, viết hoa tùy tiện, còn thật đáng xấu hổ khi mắc những lỗi chính tả mà có lẽ học sinh tiểu học cũng không thể mắc phải như viết ngỉ học, hôm lay, chong lúc, có ngịch, xa xút, em ngĩ, học xinh, nhà chường, cho lên, phụ hunh…
Minh chứng thêm về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, do ông phụ trách mục Hỏi gì đáp nấy của một tờ báo và nhiều chương trình Hỏi đáp của truyền hình nên nhận rất nhiều thư của học sinh phổ thông. Các em viết sai chính tả đến không thể tưởng tượng được, bệnh “ngoài da” viết là “ngoài ra”, câu không có chấm, phẩy, sai hết ngữ pháp cơ bản. Thế học văn để làm gì?. Học Văn ở phổ thông nên nhằm giúp để các em viết cho đúng, viết cho hay và biết hưởng thụ, yêu thích văn học - GS Dũng nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về những bất cập trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) hiện nay , GS Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng về chương trình, SGK Sinh học ở bậc phổ thông, ông cho rằng: “Bộ SGK Sinh học là cố gắng lớn của nhiều tác giả nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý. Rõ ràng là nhiều vấn đề nhưng các vấn đề đưa ra ở đây rất “nông”. Tôi đã mua trên 70 cuốn SGK Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả, vừa nặng lại vừa thấp. Bên cạnh đó, hầu hết như tất cả các môn học ở khoa Sinh Trường ĐH Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy trong cuốn Sinh học chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít”.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Trần Đình Sử cho hay: “Mặc dù chương trình và SGK tốt, có chất lượng là một chuyện mà năng lực quản lý, năng lực dạy học của giáo viên không thực hiện được, việc tổ chức, thi, kiểm tra trong thực tế không đánh giá được, không khích lệ được học sinh học tập là một chuyện khác. Thời gian qua chính do sự quản lý yếu kém cũng như lúng túng trong phương pháp dạy học đã không chỉ hạn chế ưu thế của SGK, mà còn gây nhiều bức xúc cho xã hội như học thêm dạy thêm, bài thi theo lối học tủ, bài học ghi theo lối đọc chép. Đó là yếu kém về phương pháp dạy học mà đến nay vẫn chưa khắc phục được”.
“Nếu có phương pháp dạy tốt học sinh đã không tái mù chữ, đã viết đúngchính tả và viết câu cú không sai. Vì thế cần nghiên cứu rõ thực trạng về phương pháp dạy học và phương hướng giải quyết nó như thế nào, một khi toàn bộ chương trình đã thay đổi, còn phương hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa thấy có gì đổi mới cả” - GS Trần Đình Sử bày tỏ.
Đừng bắt trẻ con phải hao tổn trí tuệ vào những con số thống kê vô hồn
Đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập trên, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Không có lý gì học sinh chúng ta không tiếp thu nổi vốn kiến thức chung mà học sinh các nước khác đang được truyền thụ. Càng không có lý gì với muôn vàn khó khăn về trình độ giáo viên, về phòng thí nghiệm, về đời sống mà học sinh ta lại phải học một chương trình nặng nề hơn học sinh các nước khác. Cần rà soát lại và có so sánh cụ thể với chương trình của phần lớn các nước khác. Với thời đại thông tin phát triển như hiện nay đừng bắt bọn trẻ phải hao tổn trí tuệ để nhét vào đầu những con số thống kê vô hồn và thường xuyên biến động. Những gì thầy cô cũng không nhớ nổi thì có lý gì bắt học sinh phải nhớ”.
Bên cạnh đó, GS Dũng đề nghị: “Cần chấn chỉnh xu hướng tốt nghiệp THPT nhất thiết có phải cố bằng được việc thi vào các trường ĐH, CĐ. Muốn học sinh vào học các trường dạy nghề thì phải chấn chỉnh ngay nội dung chương trình và chất lượng đào tạo. Đặc biệt không có lý do gì giáo viên tiếp tục dạy học theo kiểu thày dạy trò ghi, kể cả bắt chép lại nguyên văn như trong SGK; không có lý gì còn tồn tại những giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn tiếp tục đứng lớp…
Băn khoăn về Đề án đổi mới chương trình, SGK lần này, GS Trần Đình Sử băn khoăn cho biết, chưa hiểu vì sao Chính phủ lại tách chương trình và SGK ra riêng thành một đề án riêng, còn các vấn đề cơ bản quan trọng khác trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phổ thông thì để cho đề án khác hay sao? Như thế làm sao đồng bộ và làm sao đảm bảo kết quả thực hiện chương trình và SGK lần này?
GS.TS Sử cho rằng: “Xây dựng chương trình và SGK chỉ là kế hoạch dạy học, còn SGK chỉ là tài liệu dạy và học mà thôi, không có gì là quá khó, nhất là khi chúng ta đã có kinh nghiệm biên soạn chương trình theo Nghị quyết 40 của Quốc hội vào năm 2000, và đã có những bộ SGK tốt của giai đoạn hiện hành. Chỉ cần tham khảo một số kinh nghiệm của một số nước là có thể làm được. Cái khó là làm sao có được một đội ngũ giáo viên có phương pháp mới tương ứng với chương trình, lôi cuốn học sinh vào phương thức đào tạo mới tạo ra hiệu quả đầu ra như toàn dân mong muốn”.
“Chính phủ nên nhìn vào mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục như một bộ máy vận hành tổng thể để chỉ đạo dự thảo đề án. Không nên coi chương trình và SGK, một khâu trong bộ máy ấy như là khâu quan trọng nhất, quyết định nhất, dễ rơi vào phiến diện. Việc thực hiện Nghị quyết 40/2000, Quốc hội ta đã làm như thế này rồi và đã hạn chế rất nhiều hiệu quả, chẳng lẽ chúng ta lần này lại lặp lại vết xe cũ” - GS.TS Trần Đình Sử kiến nghị.
Hồng Hạnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP PHÁT TRIỂN Luôn đồng hành cùng bạn! WebDesign - Hosting - Domain name - Advertising THÔNG TIN LIÊN HỆ: Địa Chỉ: Phước Thành, Tân Hoà, Tx.Phú Mỹ, BR-VT Văn Phòng Giao Dịch: 301 Phan Văn Trị, Kim Dinh, Tp.Bà Rịa - Vũng...Xem chi tiết...