Tin nhắn rác biến tướng "dội bom" mạng di động

Thứ sáu - 10/10/2014 04:46
Thời gian gần đây, nhiều thuê bao di động phản ánh về việc tin nhắn rác đang có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại sau một thời gian tương đối im ắng, đặc biệt là tin nhắn quảng cáo Bất động sản, SIM số đẹp...
 Tin nhắn rác biến tướng

VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ TT TT Lê Nam Thắng về tình trạng này, cũng như về trách nhiệm của nhà mạng và cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn tin nhắn rác một cách triệt để.

- Rất nhiều người dùng than phiền về việc gần đây, họ bị tin nhắn rác "dội bom" liên tục, bất chấp các biện pháp từ cơ quan quản lý và nhà mạng. Phải chăng những biện pháp này chưa đủ mạnh, hay các tin nhắn rác này đã tìm được kẽ hở nào của quy định để lách qua, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trước hết, cần hiểu rằng bản chất của tin nhắn rác chính là tin nhắn quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nhưng không tuân thủ theo quy định của pháp luật, và gửi đến người dùng một cách tùy tiện, bất chấp họ có đồng ý hay không. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, phải thừa nhận là tin rác lúc nào cũng tồn tại, chỉ có tùy từng thời điểm chúng bùng lên hoặc giảm đi mà thôi.

Theo quan điểm của tôi thì tình hình kinh tế đang có dấu hiệu cải thiện, ấm lên nên nhu cầu quảng cáo cho các hàng hóa, dịch vụ cũng tăng lên, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Có lẽ vì lý do này mà số lượng tin nhắn liên quan đến bất động sản chiếm tỷ lệ áp đảo gần đây.

Tin nhắn rác biến tướng dội bom mạng di động
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Cần phải có sở cứ rõ ràng thì Nhà mạng mới chặn được tin nhắn rác triệt để. Ảnh: T.C

Trước việc tình hình tin nhắn rác diễn biến phức tạp, Bộ TT TT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành hai Nghị định là Nghị định số 90 về chống thư rác và sau đó là Nghị định 77 để sửa đổi một số điều của Nghị định 90. Trên cơ sở 2 Nghị định này, Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động cho các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực quảng cáo, vì tin nhắn rác bản chất là do dịch vụ quảng cáo tạo ra. Một nội dung quan trọng là Bộ yêu cầu các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ quảng cáo trên mạng phải đăng ký với cơ quan quản lý để được cấp "mã quản lý". Sau này, cơ quan quản lý giám sát, hoạt động của các Doanh nghiệp chính thông qua mã quản lý này. Bộ cũng quy định các tin quảng cáo phải có tính năng cho phép người dùng dịch vụ từ chối nhận quảng cáo...

Song song với các quy định, Bộ cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra thực tế. Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ và Cục Viễn thông cũng đã phát hiện, xử lý, phạt vi phạm hành chính nhiều doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần phát tán tin nhắn rác mà còn cung cấp, kinh doanh cả tin nhắn lừa đảo, cờ bạc, lô đề, gây thiệt hại cho người dùng. Bộ đã chỉ đạo các Sở TT TT địa phương phối hợp với Thanh tra Bộ tiến hành kiểm tra, xử phạt nhiều đợt như vậy.

Nhưng tin nhắn rác không chỉ do các doanh nghiệp, tổ chức gửi đi. Tại Việt Nam, một số lượng lớn tin nhắn rác là do người dùng cá nhân sử dụng các SIM rác, thuê bao ảo trên thị trường nhắn đi, mục đích là để giảm chi phí, tránh sự kiểm tra của cơ quan quản lý khi cung cấp dịch vụ quảng cáo. Chính vì vậy, Bộ đã ban hành các thông tư về quản lý SIM thẻ, giá cước dịch vụ nhắn tin di động nên hoạt động khuyến mãi của nhà mạng cũng đã đi vào nền nếp, số lượng thuê bao ảo, sim rác giảm đáng kể.

Nói tóm lại, tin nhắn rác thời gian qua đã xuất hiện nhiều biến tướng mới, nhưng không phải là do các biện pháp quản lý không còn hiệu quả mà bởi vì tình hình kinh tế ấm lên, người dùng lợi dụng các kẽ hở trong quản lý, trong thanh tra kiểm tra, cơ chế kiểm soát của chúng ta để phát tán tin nhắn rác. Do đó, Bộ đang triển khai một loạt biện pháp khác như xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 77 về hạn chế số lượng tin nhắn tối đa một người được nhắn trong một ngày...

Các nhà mạng đều tuyên bố đã xây dựng hàng rào kỹ thuật để chặn tin rác, nhưng tin rác vẫn lọt qua thường xuyên. Dư luận cho rằng những hàng rào hiện hành thiếu đi sự hiệu quả cần có, quan điểm của Thứ trưởng về việc này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Cần nhấn mạnh rằng, những hàng rào kỹ thuật hiện nay của nhà mạng chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức đã có đăng ký chính thức với nhà mạng về việc cung cấp dịch vụ quảng cáo. Khi những doanh nghiệp này làm không đúng chức năng đăng ký, họ sẽ bị chặn. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, tại Việt Nam thì ngoài các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ nhắn tin quảng cáo (một cách chính thống, có đăng ký), thì kinh tế gia đình cũng phát triển rất mạnh. Với công nghệ hiện nay thì bất cứ cá nhân nào cũng có thể làm quảng cáo trên mạng, như một đại lý bán quần áo, một cửa hàng SIM, một nhân viên môi giới bất động sản... đều có thể sử dụng điện thoại để nhắn tin quảng cáo về dịch vụ, hàng hóa của mình.

Cái khó là hiện chưa có bất cứ biện pháp nào để kiểm soát các tin nhắn do cá nhân gửi đi cả. Chẳng hạn như ở một số nước, người ta có quy định một cá nhân trong ngày chỉ được gửi tối đa bao nhiêu tin nhắn, số lần gửi tin nhắn là bao nhiêu lượt, gửi cho bao nhiêu người... . Các biện pháp mà nhà mạng trong nước đang áp dụng chỉ quản được các doanh nghiệp, tổ chức có đăng ký, còn hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh gia đình thì vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát. Nói cách khác, nếu không có biện pháp quản lý mới hơn thì chúng ta không thể giải quyết được bài toán.

Do đó, một mặt tăng cường thanh tra, xử phạt, một mặt Bộ TT TT cũng cần rà soát lại các văn bản, hiện trạng để hạn chế việc gửi tin nhắn cá nhân. Người dùng bình thường thì hiếm ai có nhu cầu thực sự phải gửi tới hàng ngàn, hàng chục ngàn tin nhắn mỗi ngày cả. Những ai thực sự cần thì phải đăng ký với nhà mạng, còn những ai không đăng ký thì sẽ có biện pháp để chặn lại. Quan điểm của Bộ là phải vì lợi ích của hàng triệu người để hạn chế thu lợi của một số ít người. Đó cũng là hướng mà chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng phương án quản lý nhắn tin cá nhân.

Thứ hai, Bộ cũng đang xây dựng Thông tư về quản lý dịch vụ cung cấp nội dung thông tin trên mạng di động. Bản thân dịch vụ nội dung thông tin di động không phải là thủ phạm trực tiếp gây ra tin nhắn rác, khi họ cũng chỉ giống như các Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa khác, có nhu cầu quảng cáo dịch vụ nội dung của mình trên mạng. Dự kiến Thông tư này sẽ có 3 nội dung chính: 1. Bộ TT TT sẽ trực tiếp cấp và quản lý các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung di động cho các nhà cung cấp nội dung (CP). Trước đây, khâu này là do Telco tự cấp. Mô hình này có 2 điểm bất cập là: mỗi lần muốn cung cấp dịch vụ trên một mạng, CP sẽ phải đàm phán từ đầu với Telco đó, rất mất thời gian, lại tốn kém chi phí. Chưa kể khi vi phạm thì do hai bên có hợp đồng với nhau, nhiều khi cùng có lợi ích nên nhà mạng sẽ xử lý không triệt để. Giờ đây, khi cơ quan quản lý trực tiếp cấp và quản lý đầu số thì khi phát hiện CP vi phạm, Bộ sẽ trực tiếp thu hồi đầu số khiến cho việc xử phạt triệt để hơn. Thứ hai nữa, một đầu số do Bộ cấp cho CP thì tất cả các nhà mạng đều sẽ phải mở mạng cho đầu số đó. Còn trước đây thì cứ với mỗi một mạng di động, CP lại phải dùng một đầu số riêng, rất bất tiện.

Trong thông tư này cũng có 1 Quy định là các CP phải đăng ký số quảng cáo dịch vụ với nhà mạng. Trước đây, họ có thể dùng bất cứ SIM nào, số điện thoại nào để nhắn tin quảng cáo dịch vụ, nhưng từ giờ họ sẽ phải đăng ký số Thuê bao đó với Telco thì mới gửi được. Nếu không đăng ký thì nhà mạng được phép chặn lại mọi tin nhắn gửi đi từ số điện thoại đó.

Một biện pháp nữa là quy định form mẫu của tin nhắn quảng cáo do CP gửi đi, bắt buộc khi tin nhắn gửi đến người dùng, ngoài việc tuân thủ các quy định về quảng cáo (như cho phép người dùng từ chối, hủy dịch vụ) thì nội dung cũng phải được quy định rất rõ: Phải có tên nhà cung cấp dịch vụ, nội dung dịch vụ là gì và giá cước rõ ràng. Nếu không đủ ba yếu tố này thì nhà mạng cũng có thể chặn lại. Về phần người dùng, nếu nhận được một tin nhắn mà không biết do ai gửi đến, không theo form mẫu trên thì không nên truy cập vào, rất có thể đó là tin rác, tin nhắn lừa đảo.

- Nhưng cũng có ý kiến hoài nghi rằng, việc nhà mạng chưa mạnh tay xử lý tin nhắn rác là vì việc này có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ SMS?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề khách quan từ cả hai phía. Trong trường hợp này, phải thừa nhận trước hết là hành lang pháp lý cũng chưa thật đầy đủ. Nhà mạng muốn chặn dịch vụ của Khách hàng thì phải có sở cứ. Nếu sở cứ không rõ ràng thì lại phản tác dụng, ảnh hưởng đến lợi ích khách hàng "đứng đắn". Vì thế, cơ quan quản lý cần có quy định rất rõ thế nào là tin nhắn rác, thế nào là vi phạm tin nhắn rác và với mức vi phạm như vậy thì Nhà mạng có được cắt dịch vụ hay ngừng dịch vụ hay không.

Hiện cũng đã có những quy định liên quan đến tin nhắn rác, nhưng mới chỉ là các quyết định chung chứ chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nên sở cứ để chặn là rất khó. Tôi lấy thí dụ thế này: một cá nhân mở cửa hàng bán SIM mà gửi tin nhắn đến các khách hàng của họ thì có vi phạm hay không?

Mặt thứ hai của vấn đề là giữa CP và Telco tồn tại mối quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau. Hai bên sẽ có cùng lợi ích trong việc cung cấp dịch vụ nên trong một số trường hợp, cũng có thể có vì lợi ích mà nhà mạng không xử lý triệt để. Nhưng một lần nữa, chúng ta vẫn cần phải có sở cứ để Nhà mạng chặn tin nhắn rác. Và cũng chỉ khi ấy, nếu họ vẫn không chặn thì Bộ mới có sở cứ để xử phạt nhà mạng được.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Theo Trọng Cầm

VietNamNet

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi