Tuy nhiên, giai đoạn thử nghiệm rộng rãi với khách hàng thực tế sẽ chỉ được tiến hành từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2016, sau khi Trung tâm chuyển mạng quốc gia được xây dựng xong và kết nối với tất cả các mạng viễn thông thành viên. Sau thời gian này, Cục Viễn thông (Bộ TT TT) sẽ làm việc với các nhà mạng để đánh giá, tổng kết việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ, kết quả, vướng mắc....Theo kế hoạch, dịch vụ sẽ được cung cấp chính thức từ ngày 1/1/2017.
Một khi dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) được cung cấp, người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì không còn phải phụ thuộc vào nhà mạng. Hơn nữa, chính sách này còn thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà mạng bởi để thu hút được thuê bao mới, giữ chân thuê bao cũ, họ buộc phải nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ, giảm giá thành, giảm cước, đa dạng hóa dịch vụ, Thứ trưởng Bộ TT TT Lê Nam Thắng phân tích.
GTel, Vietnamobile xin lùi
Tuy nhiên, chia sẻ tại phiên họp lần 1 của Ban chỉ đạo Đề án Chuyển mạng giữ nguyên số (MNP), Vietnamobile cho biết nhà mạng này đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài nên khó có thể theo kịp tiến độ của đề án và cung cấp dịch vụ chính thức vào thời điểm 1/1/2017. Theo ước tính của vị này thì nhanh nhất cũng phải cuối năm 2017, đầu năm 2018 Vietnamobile mới có thể cung cấp MNP tới các thuê bao di động.
Tương tự, ông Nguyễn Đắc Lâm, Giám đốc Ban Kỹ thuật của GTel cũng thừa nhận doanh nghiệp này rất khó có thể kết nối với Trung tâm chuyển mạng quốc gia để thử nghiệm dịch vụ trong tháng 6/2015 như lộ trình. Ông Lâm kiến nghị Bộ TT TT cho phép các nhà mạng nhỏ lùi thời hạn chính thức cung cấp dịch vụ nhưng không nêu ra mốc thời gian cụ thể.
Các ý kiến này, trên thực tế, lại khá trái ngược với quan điểm và đề xuất của chính Vietnamobile và GTel trước khi Đề án được ký ban hành (tháng 9/2013). Khi ấy, đại diện các mạng nhỏ đều "nhất trí" xin được đẩy thời hạn cung cấp dịch vụ MNP lên "càng sớm càng tốt", ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông nhớ lại. Theo quan điểm của Cục, việc chuyển mạng giữ nguyên số không quá khó về mặt kỹ thuật, các nước trên thế giới, kể cả ASEAN cũng đã triển khai thành công, ngay cả mô hình triển khai cũng đã tham khảo và xây dựng được "tối ưu". Vì thế, các mạng nhỏ nên cố gắng bắt kịp lộ trình chung, nhất là khi các mạng lớn như Viettel, VNPT đều khẳng định họ đã sẵn sàng triển khai Đề án.
Cần hướng dẫn cụ thể
Trong số các nhà mạng, Viettel tỏ ra có kinh nghiệm với MNP nhất vì nhà mạng này sẽ phải cung cấp dịch vụ MNP tại Peru khi tham gia vào thị trường Nam Mỹ này. Ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom đồng tình rằng, MNP không hề phức tạp về mặt kỹ thuật, tuy nhiên, văn bản hướng dẫn kỹ thuật từ phía Cục Viễn thông là hết sức quan trọng, vì nó sẽ quy định các giao thức, quy chuẩn, tính năng, giao diện... để nhà mạng đầu tư mạng lưới cũng như kết nối với Trung tâm Chuyển mạng Quốc gia.
Liên quan đến ý kiến này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chỉ đạo Cục Viễn thông phải xây dựng được văn bản hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà mạng ngay trong tháng 10, chậm nhất là tháng 11 để nhà mạng kịp thời đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho Đề án. Tiếp đó, đến giai đoạn thử nghiệm, cơ quan quản lý sẽ phải tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn cách đánh giá kết quả, cách thức thử nghiệm (theo địa bàn hay theo loại hình dịch vụ, áp dụng thử nghiệm với thuê bao trả trước hay trả sau....).
Đặc biệt, chuẩn bị cho giai đoạn cung cấp dịch vụ chính thức, Cục Viễn thông sẽ phải xây dựng được Thông tư quy định về giá cước dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, thời gian chuyển mạng (kéo dài tối đa bao nhiêu ngày), điều kiện để thuê bao chuyển mạng cũng như địa điểm chuyển mạng (tại đại lý hay có thể đăng ký trực tiếp qua SMS?)...
Theo Trọng Cầm
VietNamNet
Nguồn tin: dantri.com.vn
website khách hàng chúng tôi hiện đang cung cấp dịch...Xem chi tiết...