Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng thể hiện nội lực của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo đại học nói riêng được đảm bảo bởi 4 yếu tố cơ bản, đó là: Đội ngũ giảng viên; Cơ sở vật chất; Chương trình đào tạo; Tổ chức quản lý quá trình đào tạo. Trong đó, quá trình đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để thích ứng và phát triển, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức cạnh tranh của giáo dục đại học có hai yếu tố cần được đặc biệt quan tâm là: Chương trình và Tổ chức quản lý đào tạo.
PGS.TS Lê Thế Vinh - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã có bài viết để phân tích chi tiết hai yếu tố cần được đặc biệt nêu trên. Dân trí xin đăng tải bài viết của PGS.TS Lê Thế Vinh để bạn đọc đánh giá và cùng thảo luận chia sẻ.
Bài 1: Đổi mới chương trình đào tạo như thế nào?
Một số nguyên tắc chuyển đổi chương trình đào tạo
Quá trình học được thay đổi từ việc luyện cho SV kỹ năng làm bài tập sang hướng dẫn các em phân tích, vận dụng, sáng tạo. Chuyển từ phương pháp xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận nội dung (SV học được bao nhiêu kiến thức) sang hướng tiếp cận năng lực (SV làm được những gì sau khi học xong chương trình).
Coi trọng năng lực cốt lõi, khả năng chủ yếu giúp các em có thể thành công trong nhiều lĩnh vực. Chương trình phù hợp với thực tiễn biến động: kinh tế xã hội liên tục thay đổi, yêu cầu con người, nguồn nhân lực cũng phải thay đổi để thích ứng vì vậy chương trình cần có nhiều môn học tự chọn, có tính mở. Công tác phát triển chương trình hàng năm ở các trường đại học sẽ gồm hai việc đó là điều chỉnh nội dung cho tương thích với nhu cầu của thị trường lao động và cập nhật kiến thức khoa học mới.
Với cách thức tổ chức dạy học ở thành phố, nông thôn, các tỉnh thành, vùng miền là khác nhau, năng lực của người học, đặc điểm văn hóa, kinh tế xã hội ở từng địa phương, vì vậy, GV và nhà trường căn cứ vào bộ chuẩn năng lực, tham khảo tài liệu hướng dẫn giảng dạy để thiết kế nội dung chi tiết, kiến thức gần với cuộc sống thực. Điều này phát huy tính sáng tạo của GV, gắn hoạt động nghiên cứu với giảng dạy. Nên chương trình được thiết kế theo mô hình tiếp cận năng lực phù hợp khi sử dụng ở các địa phương, vùng miền khác nhau.
Kiến thức hội nhập quốc tế trong chương trình đào tạo
Ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học như nội dung trao đổi trên đây, khối kiến thức hội nhập quốc tế đóng vai trò quan trọng và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa vào chương trình đào tạo. Mối tương quan giữa khối lượng kiến thức thuộc các chương trình đào tạo đại học ở các trường trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam được mô tả ở hình 2.
Với mục đích nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho người học, chương trình được xây dựng trên cơ sở phân tích nhu cầu thực tiễn về kiến thức hội nhập quốc tế. Trong đó, phần kiến thức chung được chú trọng, các môn học như ngoại ngữ, môn thực tập ở nước ngoài.
Nhằm trang bị cho SV kỹ năng độc lập đi lại, tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như những quy định ở nước sở tại. Biết cách trao đổi, chia sẻ thông tin với người nước ngoài cùng phối hợp làm việc, biết và trân trọng nét đẹp văn hoá của đất nước, con người nơi SV đến thực tập.
Với những môn học này, SV được trang bị kỹ năng, kiến thức cơ bản và trở thành người lao động Việt Nam mới, có khả năng hội nhập quốc tế. Do đó khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp được mở rộng. Lòng yêu nước, ý thức về dân tộc, tự hào hơn về đất nước Việt Nam được thể hiện rõ.
Khối kiến thức địa phương giúp SV hiểu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh về điều kiện kinh tế, xã hội của vùng miền nơi trường đóng, như một ví dụ cụ thể về nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiến thức kinh doanh, quản lý để phát triển kinh tế địa phương. Xây dựng ý thức cho SV có thể sản xuất ra của cải vật chất, tạo ra các dịch vụ và làm giàu trên chính địa phương.
Trên cơ sở năng lực của từng SV, có thể giúp các em định hình rõ khả năng lao động chất lượng cao của bản thân. Từ mức cơ bản, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thuộc lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo. Đến các mức cao hơn, đó là tự tạo ra được việc làm cho chính mình, sản xuất ra của cải vật chất, tạo ra các dịch vụ. Hoặc khả năng cao nhất mà SV và Nhà trường mong muốn đó là sau khi tốt nghiệp SV có thể trở thành người tạo ra được nhiều việc làm cho chính bản thân và nhiều người khác nữa. Việc làm này là hành động cụ thể xây dựng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và góp phần phát triển đất nước. Thực hiện mục tiêu đào tạo người lao động Việt Nam mới có tư tưởng toàn cầu và hiểu rất rõ địa phương, với khả năng hội nhập quốc tế tốt.
(còn tiếp)
PGS.TS Lê Thế Vinh
Nguồn tin: Tổng hợp
website khách hàng chúng tôi hiện đang cung cấp dịch...Xem chi tiết...