Nửa sau buổi làm việc sáng 11/6, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) băn khoăn về quan điểm xác định thi cử là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục đào tạo. Theo bà Nhiệm, việc đổi mới cách thức thi cử chỉ là hình thức, đổi mới nội dung chương trình mới là phần gốc. Vậy sao chưa đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã đổi mới thi cử? - đại biểu đặt câu hỏi cho quyết định thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT vừa qua và kỳ tuyển sinh đại học sắp tới của Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lập luận, thi cử với việc dạy và học là 2 nội dung có tác động lẫn nhau. Theo chiều thuận, đổi mới đến đâu thì việc thiết kế chương trình dạy - học, thiết kế thi cử đồng bộ đến đó. Tuy nhiên, ngược lại, trong quá trình dạy và học, việc đổi mới thi cử cũng sẽ dẫn tới việc buộc phải đổi mới cách dạy - học.
Ông Luận lấy ví dụ, học sinh Việt Nam dù được bị đánh giá được đào tạo trong môi trường dạy - học lạc hậu, bất cập nhưng khi thi lấy học bổng nước ngoài, nhiều bạn trẻ vẫn tập và thích ứng được.
Vừa qua, Việt Nam tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập của học sinh (PISA và PASEC) trên phạm vi toàn quốc (trong khi Trung Quốc chỉ chọn Thượng Hải để tham gia) với cách thi, đánh giá khác hẳn nhưng học sinh vẫn thích ứng được, làm bài thi tốt, được đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Luận cũng lưu ý việc đổi mới từ từ để học sinh không bị sốc. Việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định là căn bản, chuyển từ cách kiểm tra kiến thức học thuộc lòng sang kiểm tra kiến thức vận dụng trong thực tế, từ chỗ đánh giá nhận thức về từng môn đơn lẻ đến việc phối hợp cả kiến thức chính trị, xã hội trong môn thi. Khát quát chung, ông Luận nhận xét, học sinh rất hào hứng, làm bài tốt.
“Việc này cho phép các phụ huynh, thầy cô hình dung việc đổi mới cách dạy - học như nào, từ phương pháp truyền thụ sang phương pháp trao đổi để cùng tạo nên hiệu quả của quá trình đào tạo” - người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo giải thích.
Bộ trưởng Luận cũng thông tin thêm, Bộ GD-ĐT xác định thi cử là một giải pháp đột phá trong 1-2 năm đầu của quá trình triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo mà Đảng đã đề ra. Có 2 khối công việc độc lập trong quá trình đổi mới, thứ nhất là nghiên cứu thay đổi hoàn toàn lối giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó biên soạn bộ sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình, thiết lập cách dạy, thi mới phù hợp. Đề án đổi mới này sẽ được triển khai Chính phủ, Quốc hội quyết định phê duyệt, cho phép.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tiếp tục câu chuyện đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT vừa qua và cảnh báo cách thức thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn sẽ dẫn tới học lệch. “Thời gian tới, Bộ trưởng còn định đổi mới kỳ thi nào nữa không? Khi nào chỉ còn 1 kỳ thi, tổ chức theo hình thức nào?” - bà Hương hỏi.
Bộ trưởng Luận giải thích, việc thay đổi cách thức thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình tiến tới xóa bỏ kỳ thi đại học để chỉ còn một kỳ thi chung của quốc gia, căn cứ trên cơ sở đánh giá kết quả tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển vào đại học. Lộ trình cụ thể ông Luận khẳng định đã được báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và sẽ sớm công khai lấy ý kiến toàn xã hội.
Trình bày thêm về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông Bộ GD-ĐT đang xây dựng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Tôi có niềm tin vững chắc là khi các nội dung được triển khai một cách thực sự thì nhất quyết những bức xúc của cả xã hội, cũng là bức xúc của chúng tôi - những cán bộ trong ngành giáo dục sẽ được giải quyết một cách căn bản”.
Đại biểu Hà Minh Huệ bình luận về đề án này từ khía cạnh, dư luận vừa qua cho rằng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không kiểm soát được nội dung đưa ra khi con số 34.000 tỷ đồng sẽ phải tiêu tốn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát ngôn tại UB Thường vụ QH mà ông Luận “không biết”.
“Là một đề án của Bộ, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra UB Thường vụ Quốc hội. Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?” - ông Huệ truy, kèm theo bức xúc dự thảo đề án của ông Luận sau đó không đưa ra con số về chi phí nữa, như thế cũng lại là sai sót, chưa đầy đủ.
Câu hỏi này được dành cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời vào đầu giờ chiều.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) day dứt về câu chuyện lòng hiếu học của người Việt Nam chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Hình ảnh những ông bố, bà mẹ hi sinh hết mình vì sự nghiệp học hành của con, đi tha phương cầu thực, làm đủ nhứ nghề, ở ống cống năm này qua năm khác để nuôi con vào đại học càng trở nên xót xa khi thực tế, nhiều sinh viên, cử nhân ra trường không tìm được công ăn việc làm vì khủng hoảng thừa trong đào tạo, chất lượng đào tạo lại thấp.
“Khi các đào tạo không phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra của mình mà Bộ lại còn bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm nay, liệu có dẫn đến việc càng quá tải cử nhân ra trường không có việc? Đến khi nào giáo dục đại học của Việt Nam khắc phục được tồn tại này?” - đại biểu Thụy truy vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng GD-ĐT nhắc lại nội dung trong báo cáo gửi tới Quốc hội trước phiên chất vấn về hiện tượng khủng hoảng thừa cử nhân đại học này và thừa nhận trước Quốc hội: “Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém này”.
Mới đây, Bộ đã điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu số lượng 450 sinh viên/1 vạn dân xuống còn hơn 200 sinh viên cho phù hợp với quy mô của thị trường lao động. Bộ GD-ĐT cũng đã bàn với Bộ LĐ-TB XH để kết hợp điều phối việc cung ứng nguồn nhân lực cho phù hợp với thị trường.
Còn việc bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học, ông Luận phủ nhận và giải thích thêm, việc tuyển sinh năm nay chỉ đổi mới trong việc không chỉ làm một mức điểm sàn mà phân làm 2-3 mức khác nhau, có mức sàn cao và mức sàn thấp hơn nhưng không hạ thấp chuẩn, không hạ thấp yêu cầu so với các năm trước. Việc này là để triển khai luật GD ĐH về việc tổ chức phân tầng đại học ở các mức chất lượng khác nhau bằng các tiêu chí điểm sàn khác nhau để thông báo cho người dự thi tính toán chọn những khu vực phù hợp.
Bộ trưởng Luận cũng khẳng định điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh mà chỉ đưa ra giới hạn, thấp hơn nữa thì không đủ điều kiện để tham gia đào tạo với chất lượng nhất định theo quy định.
Nhắc lại con số thống kê đại biểu đưa ra, thời gian qua có 72.000 cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tính toán, mỗi năm cả nước có khoảng 400.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, như vậy, sau 5 năm thị trường lao động có thêm khoảng 2 triệu cử nhân. 72.000/2.000.000 chỉ tương đương 3,6%, theo ông Luận tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc như vậy là… thấp.
Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhắc lại thừa nhận của Bộ trưởng GD-ĐT về trách nhiệm trong việc thừa sinh viên, thiếu việc làm, chất lượng đào tạo cử nhân kém. Vấn đề ông Tâm đặt ra là hậu quả của việc tổ chức đào tạo này rất nặng nề với cả người học và xã hội. Việc nhận trách nhiệm, theo đó, chỉ là một phần, quan trọng hơn là việc xử lý trách nhiệm.
Ông Tâm hỏi thẳng việc xử lý trách nhiệm cá nhân cán bộ về việc này thời gian qua, có có lãnh đạo nào của ngành GD-ĐTbị kiểm điểm trách nhiệm?
Câu hỏi này cũng chưa nhận được câu trả lời.
Nguồn tin: dantri.com.vn
NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP PHÁT TRIỂN Luôn đồng hành cùng bạn! WebDesign - Hosting - Domain name - Advertising THÔNG TIN LIÊN HỆ: Địa Chỉ: Phước Thành, Tân Hoà, Tx.Phú Mỹ, BR-VT Văn Phòng Giao Dịch: 301 Phan Văn Trị, Kim Dinh, Tp.Bà Rịa - Vũng...Xem chi tiết...