Giỏi cái gì?
Đi học về, ngày nào đứa con cũng khoe với bố mẹ mình đạt điểm 10. Hôm thì môn tiếng Việt, bài kiểm tra Anh văn, hôm thì bài làm Toán, hôm thì môn vẽ. “Con giỏi quá!” ngày nào cũng như ngày nào, đó là lời khen của bố mẹ dành cho em.
Cuối năm, hiển nhiên em đạt học sinh (HS) Giỏi khi lớp 36 em, chỉ có 3 HS Tiên tiến. Cầm giấy khen của con, bố mẹ hân hoan trước thành tích của con. Còn đứa trẻ “đeo mác” HS giỏi nhiều năm liền nhưng chưa một ai giúp em biết mình giỏi cái gì.
Một chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ em cho rằng, mô hình khen ngợi trẻ “giỏi quá” kể trên rất phổ biến trong nhà trường lẫn gia đình dù nó cực kỳ ít giá trị. Chạy theo thành tích, khen chung chung, cùng với những lời tâng bốc sáo rỗng, không thực chất, để rồi: “Chúng ta dạy trẻ tự hào về thành tích kết quả rất hay, nhưng rất kém lòng tự tôn, tự trọng và tự lập”.
Người này đưa ra ví dụ, khi khen bài làm Văn của trẻ nên chỉ ra cụ thể cái gì hay trong bài viết , khen cách trình bày hoặc chữ viết… Với tất cả những lĩnh vực khác cũng cần cụ thể như vậy. Điều này vừa giúp đứa trẻ thấy được thế mạnh của mình, những điểm cần cố gắng. Và quan trọng hơn, với những lời khen chân thật trẻ mới cảm nhận được bố mẹ, thầy cô thật sự chú ý, quan tâm đến mình.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm Lý Trẻ) cho rằng trong quá trình học, các em biết rõ khả năng học tập của từng bạn nhưng cuối năm, việc khen thưởng lại đánh đồng. Sự khen thưởng đó chưa hẳn là kết quả của đứa trẻ mà có thể là thành tích của người lớn, đứa trẻ lại không biết mình là ai.
Những em có khả năng, nỗ lực để đạt kết quả sẽ thấy bất công. Ngược lại, những em năng lực không đúng với kết quả được khen thưởng có thể huênh hoang, thấy không cần cố gắng vẫn đạt điểm cao, được ghi nhận. Và cả hai đối tượng đều sẽ mất đi động lực, nỗ lực học tập.
“Trẻ đang dư thừa sự khen thưởng, tâng bốc nhưng lại khan hiếm sự khích lệ. Sự động viên, khích lệ lúc nào cũng cần, chỉ cần trẻ có một tiến bộ nhỏ, hay khi trẻ làm sai cũng cần sự động viên, khích lệ - có khi chỉ bằng một lời nói”, bà Huệ nói.
Đánh mất cá tính học trò
Ông Trần Ái Việt, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TPHCM chia sẻ, chương trình giáo dục hiện nay đang nặng về thi cử, kiểm tra, đề thi cũng trong khuôn mẫu, các em chỉ cần siêng học là điểm cao. Chúng ta tạo ra những “thợ học” nên các em đạt điểm cao, học sinh giỏi nhiều cũng không có gì lạ. Điều này không đồng nghĩa với với việc các em có khả năng tư duy, có kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống…
Điều ông Việt băn khoăn nhất là cách đánh giá dựa điểm số như hiện nay làm mất đi cá tính của học trò. Mỗi em có một khả năng, đam mê, sở thích khác nhau nhưng lại chạy theo một “mẫu số chung”, thành ra không phát triển được được năng lực cá nhân - mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục - nên dù có giỏi nhưng lại rất chới với khi vào đời.
Giảng viên Lê Minh Thuận (ĐH Y dược TPHCM) cho rằng, tỷ lệ học sinh giỏi cao chưa hẳn là bất thường mà bởi chuẩn chúng ta đưa ra như vậy, chỉ xét trên một số môn học, các em làm được bài thì đạt điểm cao.
Nhưng giống như chiều cao con người, số đông mọi người sẽ có chiều cao trung bình. Còn cao quá hoặc thấp quá sẽ luôn là số ít. HS giỏi quá nhiều thì cần xem lại chuẩn đưa ra đã phù hợp chưa, nếu chuẩn phù hợp thì có thể quá trình đánh giá có vấn đề. Đánh giá không đúng năng lực thật của đứa trẻ nghĩa đã tiếp tay cho các em sự dối trá.
Để việc khen thưởng có hiệu quả, theo người này nhà trường nên khen thưởng một cách cụ thể, đúng với khả năng của các em như khen thưởng môn học, khen em này hát hay, em kia vẽ giỏi, chơi cầu lông tốt… Chứ không phải là tớ giấy khen chung chung không hề giúp các em biết năng lực, cá tính của mình.
Hoài Nam
Nguồn tin: Tổng hợp
NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP PHÁT TRIỂN Luôn đồng hành cùng bạn! WebDesign - Hosting - Domain name - Advertising THÔNG TIN LIÊN HỆ: Địa Chỉ: Phước Thành, Tân Hoà, Tx.Phú Mỹ, BR-VT Văn Phòng Giao Dịch: 301 Phan Văn Trị, Kim Dinh, Tp.Bà Rịa - Vũng...Xem chi tiết...