Không có lối đá nào tối ưu hơn lối đá nàoCó thời bóng đá Việt Nam, những người làm bóng đá Việt Nam đánh giá lối đá Tiqui-taca nhuyễn nhỏ của bóng đá Tây Ban Nha là tiền đề cho chúng ta học hỏi, vì lối đá ấy được những người làm bóng đá nước nhà đánh giá rằng nó phù hợp với thể trạng nhỏ của người Việt.
Dù vậy, thực tế ở VCK World Cup 2014 vừa cho thấy lối chơi tiqui-taca đã không còn phát huy tác dụng. Vấn đề nằm ở chỗ cả thế giới bây giờ nghiên cứu cách phá lối đá ấy, sau khi chính đội tuyển Tây Ban Nha thành công hết giải này đến giải khác, và người ta cần tìm cách để ngăn chặn họ.
Bên cạnh đó, thật ra thì những con người làm nên lối chơi tiqui-taca trứ danh nay cũng đã không còn như xưa. Những hạt nhân quan trọng nhất của lối chơi trên là những Xavi hay Iniesta giờ đã không còn nhanh như trước.
ĐTVN cần xây dựng lối chơi dựa trên những con người phù hợp
Họ đã bị nghiên cứu kỹ, lại còn chậm hơn xưa, nên không khó để thấy rằng các động tác của họ dễ bị đối phương đoán ra phương án xử lý tiếp theo rồi bị ngăn chặn.
Vả lại không phải hậu vệ nào trên thế giới cũng biết cách đá nhỏ ở ngay khu vực cấm địa của đội mình như Puyol hay Pique vẫn làm thời đỉnh cao, nên lối chơi tiqui-taca khi không còn con người phù hợp cũng mất tác dụng.
Nói thế để thấy rằng không có lối chơi nào chiếm ưu thế hoàn toàn trước lối chơi nào. Mọi lối đá đều phải dựa trên những con người cụ thể, dựa trên những đặc thù của từng nền bóng đá. Con người tạo nên lối chơi và con người phù hợp sẽ phát huy cái hay của lối đá phù hợp nhất.
Chính vì vậy, nói chuyện bóng đá Việt Nam học theo lối đá của bất kỳ nền bóng đá nào khác cũng là điều không tưởng, bởi con người của chúng ta chắc chắn chỉ phù hợp với lối đá của chính chúng ta, chứ khó rập khuôn theo phong cách của nền bóng đá khác.
Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhấtCó thể lấy ví dụ ở đội Ý. Cả thế giới đều biết đặc sản số 1 của bóng đá Ý là lối chơi phòng ngự phản công trứ danh. Nhưng không phải giai đoạn nào đội tuyển Ý cũng mạnh nhờ lối chơi ấy.
Không có Pirlo với những đường chuyền dài thông minh, cùng tính bất ngờ cao trong các pha xử lý bóng. Không có Balotelli vừa nhanh, vừa mạnh, vừa tinh quái, đội Ý chắc chắn khó phát huy lối đá phòng ngự phản công.
Riêng giai đoạn từ Euro 2000 trở về trước, Ý nguy hiểm nhờ những đường chuyền của Albertini ở trục giữa, cùng khả năng chớp thời cơ của Vieri, Inzaghi hay Baggio ở tuyến trên.
Giữa giai đoạn ấy, Ý cũng có khoảng thời gian sa sút, khi đội tuyển của họ không tìm ra những con người phù hợp để phát huy sức mạnh truyền thống.
Nói thế để thấy rằng bóng đá Việt Nam muốn xây dựng lối chơi cho đội tuyển, trước tiên phải nhìn vào từng con người và phải dựa trên yếu tố con người.
Chúng ta đang có xu hướng học theo bóng đá Nhật, nhưng nếu học hãy học cách phát triển hệ thống bóng đá lớp lang của họ, học cách mà người Nhật tăng sức chịu đựng cho các cầu thủ khi đối đầu với các đội bóng phương Tây, học cách họ đang cải thiện tầm vóc của cầu thủ ra sao, để tạo nên một đội hình đủ sức tranh chấp tay đôi với đối phương…
Riêng cách chơi cụ thể thì không thể rập khuôn. Lối chơi ấy phải phù hợp với cầu thủ Việt Nam, chứ không phải nhất nhất phải đá theo kiểu Nhật.
Xây dựng lối chơi mà không dựa vào yếu tố con người chắc chắc sẽ tạo nên sự lạc lỏng. Không một nền bóng đá nào có thể tạo ra lối đá tối ưu hoàn toàn, vượt trội hoàn toàn so với nền bóng đá khác, mà hơn thua nhau chủ yếu ở yếu tố con người.
Muốn tạo nên lối chơi tốt, trước hết phải làm tốt công tác trồng người, giải quyết tốt khâu đào tạo để cho ra những con người tốt, cầu thủ tốt.
Kim Điền
Xem thêm :world cup, tây ban nha, balotelli, iniesta, nhật, pirlo, phát huy lối đá, Yếu tố con người, việt nam, pique, Euro 2000, Vieri,