Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Con số 34.000 tỷ đồng là lỗi kỹ thuật

Thứ tư - 11/06/2014 06:15
(Dân trí)-Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ (tỉnh Bình Thuận) về con số 34.000 tỷ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục cho rằng đây là "lỗi kỹ thuật” và lấy yếu tố lịch sử của Nghị quyết 40 để thanh minh.

Chiều nay 11/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lởi các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đề cập ở phiên buổi sáng. Trước câu hỏi của đại biểu Hà Minh Huệ về việc dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình vụ Bộ Giáo dục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với chi phí trên 30 ngàn tỷ đồng làm xôn xao dư luận. Dù sao đây là con số khái toán nhưng do một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền trình bày và phát ngôn là một đề án của Bộ, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này. Ở đây không kiểm soát được ở chỗ khi ra phát biểu Bộ trưởng nói rằng đây không phải là ý kiến của Bộ. Thứ hai trong đề án của bộ không trình bày con số kinh phí thực hiện thì đó là một sai sót, chắc chắn đó là một đề án chưa chuẩn xác, chưa đúng, chưa đầy đủ đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lý do giải thích của Bộ trưởng có lẽ cũng chưa có sức thuyết phục.

Lỗi kỹ thuật

Tiếp tục luận điệu thanh minh là do lỗi “kỹ thuật”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn “đẩy” trách nhiệm sang yếu tố lịch sử của Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Luận cho hay: Vào năm 2000, Quốc hội khóa 10 khi đó đã bàn Nghị quyết 40 về chủ trương và đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Đến năm nay thực hiện Nghị quyết 29 của TW, chúng ta cũng thực hiện đổi mới chương trình, SGK phổ thông trong khuôn khổ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Bộ GD-ĐT nghiên cứu không có văn bản nói về việc chi phí. Chính vì thế anh em thảo luận và đề xuất với Thủ tướng là thực hiện theo cách làm của Quốc hội khóa 10.

Cụ thể, cũng thiết kế xây dựng một hồ sơ trình ra Quốc hội, Quốc hội ra Nghị quyết chủ trương đổi mới, chương trình SGK. Theo cách làm tương tự với năm 2000, nội dung của Nghị quyết 40 và nội dung Nghị quyết dự thảo mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị bao gồm 3 ý lớn. Một là, mục tiêu của việc đổi mới chương trình và SGK. Hai là, tiến độ chương trình đổi mới chương trình, SGK. Ba là, tổ chức thực hiện chương trình SGK.

Trong Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 không đề cập đến vấn đề kinh phí, do vậy bộ hồ sơ do Bộ GD-ĐT chuẩn bị để báo cáo Thủ tướng xem xét trình sang Thường vụ Quốc hội trước khi họp Quốc hội là không có vấn đề kinh phí.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi trả lời chất vấn chiều nay 11/6.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi trả lời chất vấn chiều nay 11/6.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, vấn đề kinh phí như thế nào là do Chính phủ tính toán. Theo cách làm của Quốc hội khóa 10 đó là sau khi có Nghị quyết Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK thì Chính phủ sẽ phê duyệt các đề án để triển khai Nghị quyết. Mỗi đề án sẽ đưa ra vấn đề kinh phí. Phê duyệt đề án thì tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì Thủ tướng phê duyệt, nếu vượt thẩm quyền của Thủ tướng thì Chính phủ sẽ thảo luận và quyết, nếu vượt tầm Chính phủ thì Thủ tướng, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để quyết định. Cách làm, tiệp cận chuẩn bị hồ sơ trình hồ sơ năm nay là theo hướng đó. Chính vì thế không có nội dụng về chi phí và con số 34.000 tỷ trong hồ sơ đó.

“ Do không có quy định văn bản pháp luận về làm hồ sơ này nên Bộ GD-ĐT chỉ biết căn cứ vào lịch sử Quốc hội khóa 10 để thực hiện” - Bộ trưởng Luận nói.

Vậy con số 34.000 tỷ đồng xuất hiện lúc nào? Giải đáp ẩn số này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Do bận đi công tác không thể về kịp để tham dự kì họp nên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ thì đồng chí Thứ trưởng Bộ GD-ĐT được tham dự. Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội và đọc tờ trình của Chính phủ thì không có con số 34.000 tỷ. Khi Thường vụ Quốc hội thảo luận thì các thành viên Chính phủ giải trình thêm một số nội dung.

“Tôi về anh em báo cáo lại, đồng chí Trương Thị Mai có hỏi nhưng không phải là vấn đề kinh phí mà hỏi về tính toán của Chính phủ về việc xã hội hóa, nguồn kinh phí để triển khai ngoài ngân sách nhà nước là bao nhiêu phần trăm? Trong tay đồng chí Thứ trưởng thay mặt tôi tham dự cũng không có con số 34.000 tỷ mà một đồng chí cấp Vụ của Bộ ở ghế sau trao lên một tờ giấy...” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiết lộ về nguồn gốc của con số 34.000 tỷ.

Bộ trưởng Luận cũng khẳng định, con số này chưa có sự bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT lại tiếp tục ổ chức cuộc họp báo để nói lại con số 34.000 tỷ là làm nhiều việc chứ không phải chỉ để làm chương trình, SGK nhưng nói không khéo.

“Đây là lỗi kỹ thuật, để xảy ra lỗi sai sót như thế, tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xin nhận trách nhiệm. Tôi biết, cái lo lắng nhất của nhân dân đó là các anh này chỉ vẽ ra để tiêu tiền, để thất thoát tiền nong của đất nước, của nhân dân” - Bộ trưởng Luận chia sẻ.

Nghiên cứu đưa giáo viên tiểu học về dạy mầm non

Cũng trong phần trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng giải thích về việc đại biểu Quốc hội đề cập có nên rút bớt giáo dục xuống 11 năm hay không.

“Vấn đề 12 năm giảm bớt xuống 11 năm thì trong quá trình thảo luận xây dựng Đề án đổi mới căn bản toàn diện giúp Trung ương cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo và có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đề nghị rút xuống, có ý kiến đề nghị không rút xuống, không thay đổi vì chúng ta yêu cầu, đòi hỏi năng lực, một số phẩm chất mà các cháu học sinh phải có, chẳng hạn nhhư khả năng tin học, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm cần phải tăng cường. Sau khi Trung ương thảo luận, cân nhắc các khía cạnh của vấn đề thì cho ý kiến là trước mắt giữ ổn định hệ thống giáo dục như hiện nay. Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu việc này, trong chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 29 cũng giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì quy hoạch lại hệ thống giáo dục” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích.

Bộ trưởng Luận tiết lộ thêm: Trong chuyến công tác vừa qua, Thống thống Philippines cũng đã thông báo chuyển từ 11 năm sang 12 năm. Trên thế giới có nhiều xu hướng khác nhau. Việc tăng hay giảm phụ thuộc vào mục tiêu mà người ta hướng tới.

Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thừa giáo viên phổ thông, tiểu học nhưng lại thiếu giáo viên mầm non thì Bộ GD-ĐT giải quyết như thế nào? Thẳng thẳn nhìn nhận, Bộ trưởng Luận đưa ra giải pháp: “Đây là thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã năm được tình hình này và cũng ra một phương án đó là có thể tổ chức chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên ở bậc học tiểu học ở những nơi dư thừa để chuyển xuống dạy ở bậc mầm non cho nó phù hợp, tất nhiên không phải là chuyển ồ ạt. Nơi nào có đủ điều kiện, đủ các yếu tố mới triển khai. Hiện nay, một số tỉnh Tây Nguyên đã triển khai việc này. Còn hướng giải quyết cụ thể thì Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để có giải pháp cụ thể”.

Nguyễn Hùng (ghi)

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi