Chăm quá cũng thành… vạ

Thứ năm - 12/06/2014 19:25
Từ khi chưa lấy chồng, chị Trần Phương Hoa (Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã “nằm lòng” bí quyết “con đường dẫn đến trái tim người đàn ông là đi qua dạ dày”. Do đó, chị rất thích nấu nướng, học cách làm các món ăn ngon, độc đáo của các vùng, miền.


Chăm quá cũng thành… vạ


Những món “tủ” chị Hoa làm, từ cách chế biến đến bày biện đều không kém gì đầu bếp của nhà hàng. Ai ăn một bữa cơm do chị đích thân vào bếp cũng tấm tắc khen.

Anh Phong, chồng chị cũng “mê tít” tài đảm của vợ. Anh kể, trước khi lấy vợ, cứ chiều đi làm về, anh lại ra quán cơm bình dân, hay thỉnh thoảng đổi vị bằng một ổ bánh mì, bát mì tôm úp vội vàng. Cuối tuần, mấy lão bạn rủ đi làm bữa nhậu nhưng ăn nhà hàng mãi cũng chán nên khi gặp vợ anh bây giờ, anh đã bị chinh phục không khỉ bởi sự khéo léo mà còn do chị có tài chế biến các món ăn.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như càng ngày, chị Hoa không càng “sa đà” vào việc bếp núc. Chị mải mê lên mạng, mua sách vở tìm thêm cách nấu ăn cách món ăn độc đáo, mới lạ. Tan sở, chị đi khắp các khu chợ “lùng” bằng được các loại gia vị mới, thực phẩm tươi ngon, đặc sản để làm bữa tối. Bố con anh đi làm về, bụng sôi “ùng ục” vẫn phải đợi chị ngồi cắt tỉa rau củ quả để tranh trí, bày biện bữa ăn cả tiếng đồng hồ. Anh và con có muốn vào chung tay thì chị lại bảo, “con học về mệt thì nghỉ đi, mẹ làm cho; còn anh, đã dạy bao lần rồi mà vẫn không tiến bộ, cứ đụng vào là hỏng món ăn của em, tốt nhất cứ ra xem ti vi, để em chế biến, tí là xong”. Vì thế, có khi do mất công làm một món ăn mới, cả nhà chị bắt đầu bữa tối khi đồng hồ đã điểm 20 giờ.

Thương vợ vất vả, anh thủ thỉ với chị, bữa cơm gia đình chỉ cần thanh đạm, có canh rau, cá, thịt vừa phải là đủ ngon miệng, không cần bày vẽ đặc sản, món mới làm gì cho vất vả. Nhưng chị đều gạt phắt, vì trưa vợ chồng và con đã ăn ở ngoài “thiếu chất”, buổi tối mới có thời gian quây quầy mâm cơm gia đình. Ăn uống gì cũng phải “hoành tráng”, đầy đủ món bổ dưỡng. Thức ăn có thừa mứa, chị cũng bỏ đi chứ không để lại ăn bữa sau vì đồ để tủ lạnh qua đêm, mất chất dinh dưỡng, mất độ tươi ngon.

Chịu thua trước lí lẽ của “nội tướng” nên bố con anh Phong đành bấm bụng “nạp” những món bổ dưỡng, tuy có lạ nhưng đôi khi vị không hợp hoặc nếu có thì lại giàu đạm và chất béo. Có hôm, anh về sớm, vào bếp chế biến món đơn giản thì cũng là lúc chị về và gạt phắt đi, bởi “em mua nhiều thức ăn ngon lắm, để em đạo diễn cho”. Khi thức ăn được mang ra, bố con anh có ăn ít thì lại bị kêu ca “chắc chán cơm thèm phở”. Vì thế, bố con anh bảo nhau, cố gắng ăn nhưng “nạp” nhiều, tối đi ngủ, anh luôn có cảm giác chướng bụng khó chịu.

Dạo gần đây, anh hay bị những cơn đau nhói ở dạ dày, kéo theo triệu chứng ợ chua, đầy hơi. Đi khám, anh mới biết mình đang bị bệnh dạ dày. Con gái của anh chị cũng đang nằm trong “top” những em bé “đô con” chậm chạp của lớp. Không ít lần, cô giáo đã nhắc nhở, cảnh báo chị Hoa nên xem lại thực đơn ăn uống tránh cho con bị bệnh béo phì, thừa cân.

Gặp gỡ chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, chị Hoa mới hiểu, chính cách ăn uống quá thừa chất, lại ăn vào buổi tối muộn khiến cho hệ tiêu hóa của chồng, con chị đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; thậm chí còn dễ khiến bị thừa cân, béo phì và mắc một số bệnh mãn tính. Hơn nữa, việc chị Hoa cứ dành lấy hết việc gia đình, không tin tưởng chồng con, dễ khiến anh và con mắc “bệnh lười”. Lâu dần, việc nhà sẽ bị mặc định cho chị.

Theo Thanh Phương
Phụ Nữ Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi