Ngày 26/6, TAND huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Tấn Phong (52 tuổi, chủ xưởng gỗ Tấn Phong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) về hành vi “Giữ người trái pháp luật”. Vụ án này từng gây rúng động dư luận bởi sự ngược đãi tàn nhẫn của chủ xưởng gỗ với những người làm thuê cho mình.
Theo những kết quả điều tra trước đó của cơ quan CSĐT công an huyện Dầu Tiếng, xưởng gỗ cơ sở sản xuất của ông Phong nằm trên khu đất rộng hàng nghìn m2, hoạt động khoảng từ năm 2010 và thường xuyên sử dụng từ 8-10 lao động, chủ yếu trong độ tuổi từ 16-18 và là người dân tộc Kh’mer.
Họ được nhận vào làm thông qua “cò” lao động từ TP.HCM với mức phí 500.000- 800.000 đồng. Số tiền này sẽ được chủ cơ sở trừ thẳng vào lương của từng người. Thời điểm ban đầu, ông Phong thường dùng “chiêu” hứa hẹn sẽ đảm bảo một công việc tốt, lương cao.
Thường ngày, ông Phong bắt công nhân dậy từ 4h sáng để vệ sinh nơi ở và làm việc quần quật đến 17h chiều, có hôm tăng ca thì đến 19h, thời gian nghỉ trưa chỉ vẻn vẹn 1 tiếng. Điều đáng nói, ông Phong còn quản lý công nhân của mình bằng cách không cho điện thoại, ban đêm ngủ bị nhốt vào trong nhà bằng khung sắt, không có nhà vệ sinh, công nhân muốn “giải quyết” phải tranh thủ đi trước. Chủ cơ sở cũng lắp đặt 8 camera chĩa vào nơi ăn ở của công nhân để theo dõi 24/24.
Nhiều công nhân không chịu được sự quản lý hà khắc của Phong, tìm cách bỏ trốn thì bị Phong và người nhà truy tìm bắt giữ lại. Cụ thể là trường hợp đáng thương của anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng, công nhân trong xưởng gỗ Tấn Phong) đã bị chết tức tưởi vào ngày 26/5/2013 khi cố bơi qua hồ Cần Nôm nhằm tìm đường tháo chạy khỏi xưởng gỗ này.
Dù mới vào làm việc được vài ngày nhưng anh Rót cùng một công nhân khác đã không chịu được cảnh “tù binh” nên vào giờ nghỉ trưa ngày 26/5, cả hai quyết định bỏ trốn, hai công nhân này thoát khỏi khu làm việc, chạy ra hướng hồ Cần Nôm, nhảy xuống và bơi. Hồ sâu, sức đuối, anh Rót vẫy vùng rồi chết chìm dưới giữa lòng hồ; người bạn trốn chạy cùng may mắn thoát nạn.
Sau khi xác anh Rót được vớt lên bờ, 2 ngày sau đó, bà Lâm Thị Lê (48 tuổi, mẹ của nạn nhân) mới nhận được cuộc gọi điện từ công an huyện Dầu Tiếng thông báo việc con trai bà bị chết và đề nghị gia đình sắp xếp thời gian lên nhận dạng nạn nhân, đưa xác về quê mai táng.
Trong phiên toà xét xử sơ thẩm, Viện KSND huyện Dầu Tiếng cáo buộc bị cáo Trần Tấn Phong tội “Giữ người trái pháp luật”, đồng thời đề nghị mức án từ 24-28 tháng tù giam.
Trung Kiên
Nguồn tin: dantri.com.vn
website khách hàng chúng tôi hiện đang cung cấp dịch...Xem chi tiết...