Mẹ liệt sỹ “vác đơn” kêu cứu cho con
Năm nay đã 88 tuổi, mắt mờ, chân chậm nhưng cụ Nguyễn Thị Di (mẹ liệt sỹ, trú tại phố Hàm Rồng, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, Lào Cai) vẫn ôm đơn kêu oan cùng con cháu đến gõ cửa các cơ quan chức năng kêu cứu cho con trai mình. Giọng yếu ớt, cụ Di mếu máo nói với PV Dân trí rằng con trai cụ, ông Hà Ngọc Vinh (SN 1970, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Sa Pa), bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng, thậm chí oan sai.
Theo diễn biến vụ việc cũng như Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46 - Công an tỉnh Lào Cai), năm 2010, Huyện ủy Sa Pa tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý sử dụng đất trên địa bàn. Đoàn kiểm tra có 9 thành viên, gồm: ông Phan Đình Thống - Phó bí thư Huyện ủy là Trưởng đoàn; ông Hà Ngọc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) Huyện ủy là Phó đoàn; và 7 thành viên trong đó có bà Lồ Thị May và ông Hoàng Văn Tiệc - cán bộ UBKT Huyện ủy.
Cụ Nguyễn Thị Di trao đổi với PV Dân trí.
Theo sự phân công, ông Vinh trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, ông Tiệc và bà May được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc nhận hồ sơ cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại Phòng TN-MT để mang về UBKT Huyện ủy phục vụ công tác kiểm tra và có trách nhiệm bảo quản hồ sơ trong quá trình kiểm tra. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, toàn bộ hồ sơ được cất giữ trong tủ của ông Tiệc và bà May tại phòng làm việc của cơ quan UBKT.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra giao trả hồ sơ cấp QSDĐ cho Phòng TN-MT thì phát hiện mất 14 bộ hồ sơ và 26 bộ hồ sơ bị rút lõi. Ngay khi phát hiện, đoàn kiểm tra đã báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy và được chỉ đạo tiến hành các biện pháp khôi phục. Sau một thời gian phối hợp thực hiện cùng các cơ quan liên quan, đoàn kiểm tra đã báo cáo không thể khôi phục được các tài liệu đã mất.
Căn cứ các quy định của pháp luật, Huyện ủy huyện Sa Pa đã tiến hành họp, bỏ phiếu lấy ý kiến về việc xử lý kỷ luật đối với các cá nhân liên quan trong vụ mất hồ sơ cấp QSDĐ. Huyện ủy đã thống nhất xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà May và ông Tiệc, đồng thời cũng quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách với 2 người này.
Đối với ông Phan Đình Thống (Trưởng đoàn kiểm tra) và ông Hà Ngọc Vinh (Phó đoàn), Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Pa cho rằng, dù đã phân công nhiệm vụ trực tiếp hồ sơ cho ông Tiệc, bà May song với trách nhiệm là Trưởng, Phó đoàn, hai người này có trách nhiệm liên đới nhưng chưa đến mức phải xem xét kỷ luật. Sau khi bỏ phiếu kín, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Pa yêu cầu ông Thống và ông Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần sâu sát hơn.
Tháng 8/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lào Cai khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can 5 đối tượng nguyên là lãnh đạo và cán bộ huyện Sa Pa. Cho rằng việc điều tra gặp khó khăn do vụ việc mất và rút lõi 40 hồ sơ nói trên gây ra, Cơ quan điều tra đã tiếp tục khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can đối với ông Hà Ngọc Vinh, Hoàng Văn Tiệc và bà Lồ Thị May.
Bất ngờ trước việc con trai bị bắt giam, cụ Nguyễn Thị Di và gia đình lần mò tìm hiểu pháp luật và nghi ngờ Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Lào Cai đã hình sự hóa vụ việc mất hồ sơ. Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật đất đai, đối với trường làm hư hỏng, làm mất hồ sơ đất đai thì bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hầu A Lềnh - Bí thư Huyện ủy Sa Pa - cho biết, ngay khi phát hiện mất hồ sơ, ông Vinh đã báo cáo ông Thống (Trưởng đoàn). “Khi tìm không thấy, đoàn kiểm tra đã báo cáo Thường trực huyện ủy. Sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và có hình thức xử lý kỷ luật những cán bộ liên quan theo đúng Luật đất đai và theo Điều lệ Đảng.” - Bí thư Huyện ủy Sa Pa nói.
Phân tích diễn biến cũng như hồ sơ vụ việc, luật sư Lê Đình Ứng (Văn phòng luật sư Thiên Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vinh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo luật sư Ứng, trước hết, nói về trách nhiệm thì ông Phan Đình Thống là Trưởng đoàn, ông Hà Ngọc Vinh là Phó đoàn. Theo phân công nhiệm vụ, ông Hoàng Văn Tiệc và bà Lồ Thị May là người trực tiếp giao nhận và quản lý hồ sơ. Điều này đã được nêu rõ trong bản kết luận điều tra.
Theo ông Ứng, việc quản lý hồ sơ đã được giao cụ thể cho từng người, có tủ sắt, có khóa. Với vai trò Phó đoàn kiểm tra, Vinh không có trách nhiệm trong việc hàng ngày đi kiểm kê tài liệu thay cho người được giao quản lý hồ sơ.
Theo Kết luận điều tra, cơ quan điều tra cho rằng những hồ sơ bị mất có liên quan đến bà Nguyễn Thị Thoa và do ông Vinh có quan hệ mua bán đất với bà Thoa nên đặt vấn đề cho Vinh và nhận xét: “Tuy nhiên, do không đủ cơ sở xác định bị can Vinh lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, thông đồng với bà Thoa tiêu hủy hồ sơ cấp quyền sử dụng đất nên không đề cập xử lý bị can Vinh với tội danh khác.”.
“Nhận định này của cơ quan điều tra là không khách quan, đi ngược nguyên tắc suy đoán vô tội. Phải chăng cơ quan điều tra đưa nội dụng này vào nhằm mục đích buộc ông Vinh phải có liên quan đến việc mất hồ sơ trong khi không có chứng cứ để buộc tội?” - luật sư Ứng phân tích.
Tiến sĩ Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao cũng phân tích, theo sự phân công, hồ sơ đã được giao cho ông Tiệc và bà May quản lý. Cho nên, có chăng, ông Vinh chỉ là thiếu trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở cán bộ cấp dưới quản lý cẩn thận chứ không phải “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
“Nếu nói về trách nhiệm thì trong vụ việc này, Vinh là Phó đoàn có trách nhiệm liên đới sau ông Trưởng đoàn kiểm tra. Tiệc và May có dấu hiệu tội phạm vì họ trực tiếp quản lý hồ sơ. Tuy nhiên, phải xem xét hậu quả của việc mất hồ sơ đó có nghiêm trọng không, cùng với điều kiện hoàn cảnh phạm tội và nhân thân… để có cơ sở xử lý cho đúng pháp luật. Theo quy định tại khoản 4 Điều 8, Bộ luật Tố tụng hình sự, có những hành vi tuy có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các hình thức khác” - Tiến sỹ Đặng Quang Phương phân tích.
Bản Kết luận điều tra cũng chỉ nhận định, các đối tượng có thể sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) bị mất trong vụ việc này mang đi cầm cố, thế chấp tại các ngân hàng, hoặc cho các cá nhân để làm tin vay tiền, sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nhưng để chặn khả năng có thể gây thiệt hại này, CQĐT đã đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền ra thông báo hủy bỏ các Giấy chứng nhận QSDĐ này.
Biên bản làm việc của Cơ quan CSĐT với các cơ quan có liên quan xác nhận, hậu quả của vụ việc mất hồ sơ đất đai trên chưa hề xảy ra. Cụ thể, ngày 5/3/2014, Chi cục thuế huyện Sa Pa trả lời Cơ quan CSĐT: “Việc mất hồ sơ không ảnh hưởng đến việc thu thuế tiếp theo”.
Cũng ngày 5/3/2014, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sa Pa cho biết, trong các hồ sơ bị mất và rút lõi không có hồ sơ nào có đơn thư tố cáo và giải quyết tranh chấp.
Nguồn tin: dantri.com.vn
NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP PHÁT TRIỂN Luôn đồng hành cùng bạn! WebDesign - Hosting - Domain name - Advertising THÔNG TIN LIÊN HỆ: Địa Chỉ: Phước Thành, Tân Hoà, Tx.Phú Mỹ, BR-VT Văn Phòng Giao Dịch: 301 Phan Văn Trị, Kim Dinh, Tp.Bà Rịa - Vũng...Xem chi tiết...