Quặn lòng nhìn con đang dần hỏng

Thứ hai - 09/06/2014 23:40
(Dân trí) - Vợ chồng tôi có mỗi mình nó thôi, đứa con xinh đẹp của tôi, thằng bé ngay từ lúc mới lọt lòng đã vô cùng khôi ngô, kháu khỉnh. Cả nhà đều thương yêu nó, từ ông bà đến bố mẹ đều dành hết cho nó sự chăm sóc, nuông chiều.

Nhưng đến năm nó 4 tuổi thì gia đình tôi gặp biến cố lớn. Bố của nó, tức là chồng tôi, phải lòng gái nên về ruồng rẫy vợ. 2 năm tôi gắng gượng níu kéo nhằm giữ bố cho con, giữ người đàn ông cho gia đình là 2 năm đầy tủi nhục và đau đớn. Khi yêu thương chẳng nói làm gì, nhưng khi muốn ruồng rẫy rồi thì càng bị xích chân người ta càng trở nên hung hãn. Anh ta hay đánh tôi, nhiều lần trút giận vô cớ, tôi chăm sóc cho anh ta cũng là lý do anh ta thấy bực mà giơ nắm đấm, tôi nói về bồ của anh ta càng làm anh ta nổi trận lôi đình hơn.

Những lần bố mẹ cãi nhau, bố đánh mẹ, thằng con tôi đều nhìn thấy. Nhà có vài chục mét vuông thôi nên chẳng tránh đi đâu được. Ông bà bất lực, thằng cháu thì la khóc. Tôi nhịn mãi không nổi đành chấp nhận ly hôn. Nhưng ly hôn muộn màng là cái sai của tôi, vì bao nhiêu năm sống trong không khí gia đình nặng nề, dột nát đã nhuốm đen mất tâm hồn đứa con thiên thần của tôi. Vào lớp 1, nó lầm lì, ít nói, thích có hành động chống đối người lớn và hay đánh bạn. Mỗi lần đánh bạn, nó đều rất hung hãn và hay nói “cho mày chết, cho mày chết” - đấy là cách bố nó đã nói với tôi trong những trận đòn thù. Tôi phải đi gặp cô giáo của con rất nhiều lần, giải thích để cô hiểu gia cảnh tôi như thế và mong cô giúp đỡ con tôi. Cô giáo tâm lý nên có cảm hóa nó được đôi chút. Nó bớt hung hãn hơn nhưng không tình cảm với mẹ. Và nó ghét đàn ông, ghét cả những người muốn tìm đến xây đắp tình cảm với tôi.

Cấp hai con tôi học phải một ông thầy khó tính nên những cố gắng của tôi và cô giáo cũ nhằm bù đắp những thiếu hụt tinh thần cho nó đổ xuống sông xuống bể. Ông thầy chỉ nhìn thấy ở con tôi những điểm xấu và rất nghiêm khắc với nó, yêu cầu nó thay đổi, có khi nhục mạ nó. Con tôi không đến trường nữa. Thay vì đi học, nó vào hàng điện tử. Đến khi tôi biết để mà lôi nó về thì nhà trường đã không đồng ý cho nó theo học nữa. Tôi buộc phải chuyển trường cho con.

Cả chuỗi ngày đi học của nó chỉ là chuyển hết trường này đến trường khác. Đâu đâu cũng được nhiều lắm là vài tháng người ta lại đuổi nó ra. Tôi lao đao khốn khổ với xin xỏ, chỉ mong đến ngày nó tốt nghiệp được cấp 3 nhưng ước mơ cũng không thực hiện nổi. Ngày con nhà người ta đi thi tốt nghiệp con tôi lại trốn ra hàng điện tử. Khi về tôi đánh chửi nó, nó bảo “làm gì có chữ trong đầu mà thi”.

Tôi mất không ít tiền xin cho con lên trung tâm giáo dưỡng những trẻ em hư để mong xã hội dạy nó. Nhưng nó đi được một thời gian, nằng nặc đòi về. Nó bảo “mẹ đừng có rót tiền để người ta quản lý con nữa”. Rồi nó bỏ nhà đi suốt, toàn đi theo bạn xấu.

Tôi khóc không biết bao nhiêu mà kể vì con. Đời tôi đã không ra gì, một mình nuôi con chỉ mong nó có ngày lớn khôn cho mẹ được rạng rỡ, nhưng tôi càng xoay thì nó càng lún. Tôi đang dần mất con nhưng không còn biết phải cựa quẫy cách nào. Nhìn nó hư mà người làm mẹ như tôi không thể cứu, lòng tôi rất đau. Nếu ngay từ đầu, tôi biết bảo vệ nó trước xung đột gia đình, biết quan tâm nhiều hơn đến tâm lý của nó, có lẽ tôi đã không mất nó thế này.

Hồng Trúc

Nguồn tin: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi