Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 8 lần, tuy nhiên giá thực phẩm vẫn “bình chân như vại” ở mức cao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã 8 lần liên bộ Tài chính – Công thươngđã chỉ đạo giảm giá xăng dầu, từ mức giá cao nhất của xăng A92 là 25.640 đồng/lít xuống mức giá 22.340 đồng/lít (giảm tổng 3.300 đồng/lít). Trong 8 lần xăng dầu giảm giá, có 2 lần giảm giá trên 1.000 đồng/ lít.
Cũng từ đầu năm trở lại đây, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) thước đo về lượng cầu thị trường, giá cả mua sắm mặt hàng trong dân luôn ở mức thấp. 10 tháng đầu năm CPI chỉ đạt 4.47%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nhu cầu tiêu dùng không tăng, lãi suất ngân hàng giảm bằng mức bình quân các năm trước, giá xăng giảm nhiều lần… Đây là những yếu tố thuận để giá thực phẩm giảm. Theo nhận định của TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả khẳng định: “Các yếu tố đầu vào giảm nhưng giá thực phẩm giữ nguyên cho thấy rõ ràng xăng dầu không phải nguyên nhân tăng giá thực phẩm như các DN, tư thương thường nói. Giá hiện đang nằm trong tay của trung gian, nhà buôn, doanh nghiệp đầu mối. Người nông dân, người tiêu dùng không được hưởng lợi khi giá cả tăng nhưng lại là người chịu thiệt khi giá có nhiều biến động.
Cũng theo ông Ánh, giá cước vận tải đang đứng yên là lý do khiến giá thực phẩm không giảm. Việc xăng giảm hơn 3000/lít mà giá cước vận tải, thực phẩm giữ nguyên dù biện minh gì đi nữa thì thị trường đang trái quy luật và việc quản lý, điều hành thị trường đang có vấn đề khiến người dân chịu thiệt.
“Việc giá thực phẩm đang “một mình một điệu” đang là thách thức lớn trong điều hành quản lý vì nó trái quy luật thông thường mà ai cũng nhìn ra. Người nông dân sản xuất trực tiếp được hưởng lợi rất ít từ tăng giá thực phẩm, giá tăng chủ yếu do tiểu thương, nhà cung cấp – phân phối trung gian hưởng lợi. Việc giá thực phẩm vẫn giữ thế “thượng phong” là do trung gian đang làm giá, điều hành giá thay vì để cho thị trường điều tiết, cơ quan Nhà nước quản lý, điều hành”, T.S Nguyễn Đức Thành – GĐ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Thành hàng hóa không giảm cũng có nguyên nhân từ lãi suất ngân hàng cao trong thời gian dài. Những sản phẩm đang có trên thị trường được ra đời trong lúc lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp khẳng định nếu giảm giá ngay, các DN sẽ không chiết khấu được lãi, thậm chí không tìm được điểm hòa vốn. Trong lúc giá vốn rẻ, họ lại khốn khó, hết đơn hàng hoặc không còn lực để vay sản xuất.
Theo đại diện của Hiệp hội bán lẻ: “Việc tăng giảm giá thực phẩm, hàng tiêu dùng trong nhiều năm qua đều do 1 tay thương lái, trung gian bán buôn – bán lẻ. Người sản xuất trực tiếp sản phẩm đầu tư 1 đồng, bán ra 2 hoặc 3 đồng. Nhưng khi đến tay người thương lái đã đẩy giá lên 5 lần so với giá gốc. Giá tăng nhưng người nông dân, người trực tiếp sản xuất không được hưởng lợi. Khi giá giảm, các tác động ngay tức khắc”.
Cũng theo vị này, có hai nguyên nhân chính khiến giá cả thực phẩm, hàng tiêu dùng đang bị điều phối bởi nhân tố trung gian là: đa số buôn bán của người Việt là chợ truyền thống (khoảng gần 80%) và thứ hai là Việt Nam không có sàn giao dịch hàng hóa, nơi định giá mua – bán trên thị trường và phục vụ xuất khẩu.
Nhiều nhận định nếu từ nay đến cuối năm giá xăng dầu có giảm nữa thì người tiêu dùng cũng không thể “mơ” viễn cảnh thực phẩm được giảm giá, thậm chí chỉ có tăng bởi nhiều lý do như: yếu tố mùa vụ, nhu cầu mua sắm tết và nhu cầu tiêu dùng cuối năm, mưa bão… sẽ là cái cớ để các tư thương, doanh nghiệp tiếp tục neo giữ giá thực phẩm sang tận năm 2015.
Nguồn tin: dantri.com.vn
website khách hàng chúng tôi hiện đang cung cấp dịch...Xem chi tiết...